Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:51 (GMT +7)
TKV: Chinh phục những tầng than sâu
Thứ 4, 10/02/2021 | 14:15:36 [GMT +7] A A
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tập trung đầu tư các dự án trọng điểm theo tiêu chí "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người" nhằm thích ứng với điều kiện khai thác than ngày càng xuống sâu và khó khăn. Để thực hiện mục tiêu chinh phục những tầng than sâu ấy, TKV và các đơn vị trực thuộc đã và đang ngày đêm cơ giới hóa (CGH), hiện đại hóa các mỏ than.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn khen thưởng, động viên cán bộ, công nhân Phân xưởng KT5, Công ty CP than Mông Dương - đơn vị trực tiếp vận hành lò chợ CGH hạng nhẹ. Ảnh: TKV cung cấp |
Ghi ở những đơn vị tiên phong
Công ty CP Than Mông Dương là đơn vị hầm lò khó khăn nhất của TKV bởi điều kiện địa chất phức tạp. Có những năm Công ty phải chuyển diện sản xuất tới hàng chục lần. Theo ông Hoàng Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, để khắc phục những khó khăn này, Công ty thực hiện tái cơ cấu kỹ thuật và đổi mới công nghệ, coi đây là giải pháp trọng tâm. Cuối tháng 5/2020, Công ty đã đưa lò chợ CGH hạng nhẹ mức -250 đến -100m vào hoạt động, đạt công suất thiết kế. Dự án có mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng, gồm 96 giàn chống thủy lực di động, 1 máy khấu than, hệ thống máng cào gương, máng cào thu hồi và nhiều thiết bị khác. Thời gian tồn tại của lò chợ này được tính toán xác định trong giai đoạn lập thiết kế cơ sở là 8 năm, công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Đến nay trung bình mỗi ngày đạt sản lượng trên 1.000 tấn than, năng suất trực tiếp đạt từ 17-20 tấn/công.
Những lò chợ công nghệ CGH đồng bộ hạng nhẹ khi đi vào hoạt động không chỉ nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng than mà còn đẩy mạnh mục tiêu CGH sản xuất, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động. Qua đó, giúp các công ty xây dựng thành công mô hình "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người" theo chủ trương của Tập đoàn.
Ở vùng Hạ Long, ngoài các đơn vị đã tiên phong trong đầu tư đổi mới công nghệ khai thác như Công ty CP Than Hà Lầm thì một số đơn vị cũng đã và đang chuyển biến tích cực từ đầu tư CGH. Công ty CP Than Núi Béo có Dự án đầu tư khai thác hầm lò với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, quy mô trữ lượng công nghiệp hơn 41 triệu tấn than; công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm. Ðây là dự án chuyển đổi diện khai thác từ lộ thiên sang hầm lò đầu tiên của TKV, khởi công từ tháng 2/2012. Hiện nay, các lực lượng thi công đang lắp đặt thiết bị trục tải giếng đứng chính, cuối năm hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp khâu vận chuyển người và thiết bị lên, xuống lò nhanh hơn, tiết kiệm thời gian đi lại so với trước đây. Ðồng thời, Than Núi Béo cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và lắp đặt thiết bị còn lại trong các lò chợ và trên mặt bằng. Đến hết quý I/2021, các hạng mục xây dựng cơ bản của toàn bộ dự án đầu tư khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo sẽ hoàn thành, ổn định khai thác, tăng sản lượng ra than theo các năm.
Máy khoan xúc đa năng của Công ty Than Nam Mẫu mới đưa vào hoạt động. |
Công ty Than Nam Mẫu cũng vừa đưa máy khoan xúc đa năng vào vận hành thử nghiệm tại Phân xưởng (PX) Đào lò 1 ở mức -50. Đây là công nghệ khai thác hiện đại nhất trong toàn Tập đoàn được Công ty Than Nam Mẫu ứng dụng đầu tiên, bước đầu cho thấy hiệu quả toàn diện từ khả năng tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ, giảm nhân lực trong sản xuất. Đồng thời, hứa hẹn một bước đột phá mới trong khai thác đào lò của than Nam Mẫu nói riêng và các đơn vị hầm lò trong toàn TKV nói chung.
Anh Vũ Huy Quyền, Quản đốc PX Đào lò 1, khẳng định: “Nếu như trước đây mỗi ngày chỉ đào được 1,6m lò thì khi sử dụng máy khoan xúc đa năng đã đào được 3,2-4m/ngày và phấn đấu đạt 80-120m/tháng. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc, tiết kiệm nhân lực và nâng cao năng suất, tiến độ đào lò sản xuất than”.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu, 5 năm qua, Công ty đã tập trung đầu tư trang thiết bị CGH, mở rộng sản xuất; tổng giá trị đầu tư đạt trên 2.557 tỷ đồng, với 24 dự án, công trình đầu tư. Đẩy mạnh CGH trong sản xuất đã giúp Công ty gặt hái được nhiều thành công. Các chỉ tiêu than sản xuất, mét lò, than tiêu thụ đều tăng so với kế hoạch từ 2 đến 5%. Doanh thu tăng lên 3.262 tỷ đồng; lợi nhuận tăng lên 105 tỷ đồng. Thu nhập bình quân 17,4 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân thợ lò 23 triệu đồng/người/tháng.
Nhân rộng trong toàn Tập đoàn
Lò chợ cơ giới hóa ở Công ty Than Dương Huy. |
5 năm qua, TKV đã đầu tư các thiết bị đào lò để CGH từng khâu công việc: Máy khoan, máy xúc lật hông, cào vơ, quay lật đổ, cào đá, máy combai đào lò, thiết bị vận tải liên tục để nâng cao tốc độ đào lò, năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Về công nghệ chống giữ đường lò, TKV đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ chống lò bằng vì neo nhằm nâng cao tốc độ đào lò, năng suất lao động và giảm sức lao động thủ công, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Nếu như năm 2016 với công nghệ chống lò vì neo chỉ đạt 6.555m (bằng 2,86% tổng mét lò đào) thì đến năm 2020 dự kiến đạt 39.770m (bằng 15,31% tổng mét lò đào).
Trong khai thác, TKV đã đẩy mạnh áp dụng CGH trong khai thác than hầm lò. Hiện nay, toàn Tập đoàn có 10 dây chuyền CGH khai thác; trong đó các dây chuyền lò chợ CGH đồng bộ, hạ trần thu hồi than nóc có công suất cao, góp phần nâng cao sản lượng than khai thác bằng CGH trong Tập đoàn. Tỷ lệ than khai thác bằng CGH đồng bộ trong toàn TKV ngày càng tăng: Năm 2016 đạt 7,52% và đến năm 2020 dự kiến đạt 16% tổng sản lượng than khai thác hầm lò.
Triển khai áp dụng các công nghệ khai thác than an toàn có công suất và năng suất cao để thay thế các công nghệ có công suất, năng suất thấp, Tập đoàn đã áp dụng công nghệ khai thác lò chợ chống giữ bằng giá khung/giá xích để thay thế dần các lò chợ chống giữ bằng giá thủy lực di động XDY và lò chợ cột thủy lực đơn. Áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo chống giữ bằng giàn chống mềm (khai thác vỉa dốc trên 450, chiều dày vỉa từ 1,6 ÷ 4,5m) để thay thế cho các công nghệ khai thác truyền thống.
Các khâu công nghệ trong sản xuất than lộ thiên như làm tơi đất đá, bốc xúc, vận chuyển, nhập kho than và đổ thải… đã không ngừng được đổi mới. Ở khâu bốc xúc, TKV đã đầu tư các máy xúc thủy lực hiện đại của các hãng Komasu (Nhật), Caterpillar (Mỹ) có dung tích gầu lớn. Với khâu vận tải, TKV đã đầu tư xe ô tô tải hiện đại của các hãng Komasu (Nhật), Caterpillar (Mỹ) có tải trọng từ 90-100 tấn…
Được biết, để tiếp tục chinh phục những tầng than sâu gắn với mục tiêu "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người" trong giai đoạn tiếp theo, TKV tiếp tục đầu tư CGH vào sản xuất trong khai thác hầm lò. Đồng thời, quy hoạch, thiết kế xây dựng các mỏ theo hướng tập trung, công suất lớn với dây chuyền công nghệ đồng bộ và hiện đại… Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và lựa chọn áp dụng các dạng công nghệ khai thác tiên tiến phù hợp với điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ để có những lò chợ an toàn, công suất cao và tiết kiệm tài nguyên. Đồng bộ hóa thiết bị trong công tác vận tải nhằm nâng cao năng lực vận tải, đặc biệt đối với các lò chợ CGH cho sản lượng than cao. Với khai thác lộ thiên, tiếp tục đổi mới đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền công nghệ theo hướng đưa vào sử dụng các thiết bị cơ động có công suất lớn, tiết kiệm nhiên liệu, triển khai áp dụng công nghệ vận tải hỗn hợp ô tô - trục tải, ô tô - băng tải phù hợp với điều kiện và quy mô của từng mỏ.
Xe tưới đường chuyên dùng mỏ Cao Sơn. |
Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn từng khẳng định: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác than và đào lò là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Tập đoàn nhằm tăng năng suất, sản lượng than khai thác, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nâng cao mức độ an toàn. Thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu giám đốc các công ty thành viên cần mạnh dạn, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, áp dụng mạnh mẽ CGH, tự động hóa vào sản xuất. Đồng thời, đánh giá lại địa chất mỏ để có giải pháp đầu tư hiệu quả, phù hợp điều kiện từng mỏ; xây dựng mô hình điểm, các đơn vị mũi nhọn, đầu tàu thực hiện CGH để đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng trong toàn Tập đoàn.
Tin rằng, với những nỗ lực trong đầu tư công nghệ, TKV sẽ tiếp tục chinh phục những tầng than sâu, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của một ngành công nghiệp khai khoáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt, cùng xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển của miền Bắc và mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()