Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:43 (GMT +7)
Tình trạng cấp bách của phim ảnh Hàn Quốc
Thứ 6, 12/04/2024 | 13:59:14 [GMT +7] A A
Việc các diễn viên hàng đầu nhận thù lao quá lớn đã đẩy chi phí sản xuất phim lên cao. Điều đó càng khiến khủng hoảng ở thị trường phim ảnh Hàn Quốc thêm nghiêm trọng.
Một cái bóng đang phủ lên ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc vốn thịnh vượng một thời. Lượng phim đã hoàn thành nhưng bị tồn đọng, chưa thể phát hành lên tới hàng trăm bộ. Tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và sự gia tăng nhanh chóng của nền tảng OTT đã ảnh hưởng đáng kể.
Ngoài những ký do trên, tờ The Korea Times chỉ ra một yếu tố đáng chú ý góp phần tạo ra những thách thức của ngành giải trí là phí diễn viên tăng mạnh. Việc cát-xê diễn viên ngày càng cao đến từ sự cạnh tranh giữa các nền tảng OTT nhằm có được ngôi sao hàng đầu. Sự cạnh tranh này khiến chi phí sản xuất tăng cao, đồng nghĩa các công ty sản xuất ngày càng căng thẳng trong vấn đề tài chính.
Mức cát-xê khó tin
Vừa qua, thông tin Kim Soo Hyun nhận thù lao lên tới 800 triệu won (khoảng 615.000 USD) mỗi tập gây xôn xao công chúng Hàn Quốc. Ngày 26/3, dẫn lời một số CEO của công ty sản xuất phim truyền hình, phương tiện truyền thông Quốc đưa tin: "Kim Soo Hyun nhận được 800 triệu won mỗi tập khi xuất hiện trong Queen of Tears".
Nếu đúng, tổng thu nhập của anh sau bộ phim dài 16 tập này sẽ lên tới 12,8 tỷ won (khoảng 9,85 triệu USD), chiếm một phần ba trong ngân sách sản xuất phim là 40 tỷ won. Tuy nhiên, sau đó, công ty quản lý của Kim Soo Hyun khẳng định thông tin trên không chính xác.
Cùng ngày, một nguồn tin trong ngành giải trí tiết lộ với Sports Chosun Kim Soo Hyun tuy được biết đến như một trong những diễn viên nhận thù lao cao nhấp nhưng anh đã chủ động cắt giảm cát-xê để giảm bớt gánh nặng cho ê-kíp sản xuất. Quyết định này được đưa ra giữa bối cảnh gánh nặng chi phí sản xuất phim ở Hàn Quốc ngày càng tăng và Kim Soo Hyun bận tâm về điều đó. Nam diễn viên thậm chí nhận số tiền thấp hơn so với dự án trước đó của anh là One Day.
“Tiền thù lao của diễn viên đã tăng vọt. Với các vai chính trong tác phẩm như Squid Game 2, diễn viên kiếm được khoảng 1 tỷ won (khoảng 720.000 USD) mỗi tập, tăng mạnh so với mức trước đó là 100 triệu won hoặc 200 triệu won. Việc này đẩy chi phí sản xuất một bộ phim lên cao so với vài năm trước”, một chuyên gia nói với The Korea Times.
Theo Withnews, các diễn viên khác như Song Joong Ki, Lee Min Ho, Lee Jong Suk và Ji Chang Wook nhận được mức phí khoảng 4,8 tỷ won (3,5 triệu USD) cho 16 tập phim.
Thù lao khi đóng phim của các nền tảng OTT cao hơn so với đài truyền hình. Hiện nam diễn viên được trả cát-xê cao nhất trên OTT là Lee Jung Jae. Trong khi đó, Kim Soo Hyun được cho là nhận hơn 500 triệu won (khoảng 360.000 USD) mỗi tập trên OTT.
Ở mảng điện ảnh, những diễn viên được trả lương cao nhất là Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Ha Jung Woo. Ba diễn viên sẽ nhận được phí là 1 tỷ won cộng 10% lợi nhuận.
Song Hye Kyo và Jun Ji Hyun trước đây được biết đến là những nữ diễn viên có thù lao cao nhất, 200 triệu won (146.000 USD) mỗi tập. Tuy nhiên, hiện tại có lẽ IU dẫn đầu về khoản cát-xê. Tháng 4/2023, tờ Osen đưa tin IU nhận được 500 triệu won sau mỗi tập phim. Gần đây, có tin đồn lan truyền trong ngành rằng cát-xê mỗi tập của IU lên tới 1 tỷ won.
Lý giải việc chấp nhận trả cát-xê lớn cho diễn viên, đại diện một công ty sản xuất cho biết sự nổi tiếng, uy tín của các ngôi sao có thể giúp phim thêm thu hút và thu về lợi nhuận lớn.
Đại diện của một công ty sản xuất phim truyền hình cho biết: “Nếu tuyển diễn viên với mức phí hợp lý, chúng tôi có thể tạo ra một bộ phim chất lượng, giá trị bằng cách đầu tư thêm chi phí sản xuất vào các khâu khác như quay phim, hình ảnh, nghệ thuật… Tuy nhiên, việc hợp tác với một diễn viên nổi tiếng có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp”.
Tương lai ảm đạm
Đầu tháng 1, DongA đưa tin Hiệp hội các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc tổ chức một cuộc họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng trong ngành phim ảnh và cách giải quyết. Tại đây, hiệp hội chỉ ra thù lao của các diễn viên Hàn Quốc đã tăng đến mức khó tin.
“Các công ty sản xuất không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả hàng trăm triệu won cho mỗi tập phim để đáp ứng yêu cầu của diễn viên. Chúng tôi bị đặt vào tình thế không còn lựa chọn nào khác. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng”, đại diện một công ty sản xuất nói trong cuộc họp.
Những người trong ngành cho rằng tương lai ảm đạm của truyền hình Hàn Quốc sẽ kéo dài. Đại diện của một công ty sản xuất phim bày tỏ sự lo ngại rằng vốn đầu tư lẫn dàn diễn viên hàng đầu sẽ chỉ tập trung cho các dự án “bom tấn”. Trong khi đó, những dự án tầm trung sẽ biến mất. Đồng nghĩa, những diễn viên ít tên tuổi mất đi cơ hội việc làm.
Đại diện này cho biết: “Những nội dung sáng tạo và diễn viên tài năng sẽ tập trung cho các dự án phim chất lượng. Trong khi đó, môi trường sản xuất phim đang trở nên tồi tệ hơn. Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng tôi có nguy cơ không thể sản xuất các dự án tầm trung và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng, đồng thời gây mất ổn định cho sự phát triển đã kéo dài hàng thập kỷ và vị thế toàn cầu của nội dung Hàn Quốc".
Theo The Korea Times, khi chi phí sản xuất trở thành gánh nặng, nhiều hệ luỵ xảy ra. Chẳng hạn, thời lượng và chất lượng phim giảm sút.
Thời lượng của các bộ phim truyền hình trước đây vượt quá 80 phút mỗi tập giờ đã giảm xuống chỉ còn 20 phút.
Tháng trước, nền tảng Top Reels đã ra mắt, tập trung vào việc phân phối các bộ phim truyền hình ngắn gọn. Trong đó, Chồng tôi, chị gái tôi và tôi kể hành trình trả thù của một người phụ nữ khi phát hiện ra chồng ngoại tình với em gái.
Xu hướng sản xuất những bộ phim truyền hình ngắn, giật gân và gay cấn với chi phí thấp, chia thành nhiều tập (50-100) để phát hành, được coi là một chiến lược tạo doanh thu trước thách thức ngày càng tăng trong việc thu hồi vốn đầu tư.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc giảm quy mô sản xuất phim truyền hình và sự xuất hiện của nội dung khiêu khích, chất lượng thấp có thể gây tác động xấu đến người xem. Từ đó, phim Hàn mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khiến vấn đề tiêu thụ càng trở nên trầm trọng.
Nhà phê bình văn hóa Jung Deok Hyun gợi ý các công ty sản xuất, nền tảng, công ty quản lý diễn viên và hiệp hội nhân viên sản xuất cần cùng nhau tìm ra giải pháp trước tình trạng chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Trở lại cuộc họp đầu tháng 1, Hiệp hội các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc nhấn mạnh cần khẩn trương thiết lập các nguyên tắc về mức cát-xê hợp lý và bền vững, chẳng hạn trả phí xuất hiện dựa trên tổng số ngày, giờ quay thay vì trả theo từng tập.
“Ở Trung Quốc, chúng tôi biết thù lao của diễn viên không được vượt quá 40% tổng chi phí sản xuất và thù lao của diễn viên chính không được vượt quá 70% tổng chi phí sản xuất. Chúng ta cũng cần có giải pháp cấp bách”, một khách mời phát biểu trong cuộc họp.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()