Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:43 (GMT +7)
Tính thời gian công tác khi tuyển dụng viên chức
Thứ 7, 26/10/2024 | 14:29:45 [GMT +7] A A
Giáo viên được tuyển dụng vào tháng 4/2021 thì áp dụng quy định đang có hiệu lực pháp lý tại thời điểm đó là Nghị định số 115/2020/NĐ-CP để triển khai, thực hiện.
Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định, trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Ông Nguyễn Lương Bảy (Gia Lai) hỏi, thời gian giáo viên nữ nghỉ sinh con và có đóng BHXH có được tính là thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định trên để làm căn cứ xếp lương hay không?
Tại địa phương của ông Bảy có một số giáo viên được tuyển dụng vào làm việc tại các trường công lập, quyết định tuyển dụng và xếp lương được UBND cấp huyện ban hành vào tháng 4/2021, thời điểm ấy Nghị định số 85/2023/NĐ-CP chưa ban hành.
Tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV có quy định, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.
Tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về xếp lương đối với đối tượng "tiếp nhận vào làm viên chức" có quy định, trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Ông Bảy hỏi, tại thời điểm tháng 4/2021, khi tổng hợp thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của giáo viên mới được tuyển dụng để làm cơ sở cho việc xếp lương thì căn cứ vào quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV hay căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP để thực hiện?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 42 Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT do BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH.
Tại số thứ tự 17 Phụ lục 2 Quyết định số 56/QĐ-BNV công bố: Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV hết hiệu lực kể từ ngày 29/9/2020.
Trường hợp ông Nguyễn Lương Bảy nêu, giáo viên được tuyển dụng vào tháng 4/2021 thì áp dụng quy định đang có hiệu lực pháp lý tại thời điểm đó là Nghị định số 115/2020/NĐ-CP để triển khai, thực hiện.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()