Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:05 (GMT +7)
Tinh thần thời bình của những CCB
Chủ nhật, 25/04/2021 | 13:39:00 [GMT +7] A A
Khi đất nước đang còn chiến tranh, các anh là những người lính xông pha trên chiến trường chống giặc và có mặt trong ngày giải phóng Miền Nam (30/4/1975) 46 năm trước. Nay các anh đều tuổi đã cao, nhiều người vẫn tham gia các hoạt động có ích cho xã hội.
Ông Trần Quốc Mạnh là Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB TP Hạ Long. Ông Mạnh đã cùng đồng đội của mình có mặt tại dinh Độc Lập đúng thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 trong niềm vui vỡ òa khi đất nước thống nhất.
Khi ông Mạnh còn là Chủ tịch Hội CCB huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long), ông đã lãnh đạo anh em hội viên CCB thực hiện tốt mô hình “Thắp sáng đường quê”. Từ phong trào này, 58 khu dân cư 11 xã, thị trấn, các con đường nhỏ liên thôn, liên xóm một thời tăm tối đều được chiếu sáng với hàng nghìn cụm đèn với tổng chiều dài đường 67,9km.
Thời điểm, khi cả nước cùng vào cuộc chống dịch Covid- 19, ông Mạnh đã lãnh đạo Hội CCB duy trì hoạt động ở 244 tổ tự quản về an ninh trật tự và an toàn giao thông ở các khu dân cư do các chi hội CCB quản lý. Năm 2020, Hội CCB TP Hạ Long đã huy động hàng nghìn ngày công tham gia cùng các lực lượng ở các phường, xã giữ gìn an ninh trật tự, đo thân nhiệt, tham gia trực tại 28 chốt cách ly 24 giờ/ngày theo kế hoạch phân công của địa phương.
Nay tình hình dịch bệnh đã tạm thời lắng xuống, ngoài hàng ngày hoạt động công tác hội, ông Mạnh còn cùng vợ thực hiện mô hình trồng keo giống. Từ mô hình này ông đã giúp đỡ 13 hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn 10 vạn cây keo giống để họ phát triển kinh tế. Các CCB này được hỗ trợ vốn, đến khi họ được thu hoạch keo bán ông mới thu nguồn vốn cho vay về.
Nhờ ông Nguyễn Văn Xèng hiến đất mà đường lên nhà văn hóa khu 13, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, đã thuận tiện hơn. |
Ở phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) nổi bật tấm gương CCB Nguyễn Văn Xèng. Từng có thời điểm Nhà văn hóa khu phố 13, phường Mông Dương có rất ít người đến sinh hoạt vì đường lên nhà văn hóa xấu, dốc, lại nhỏ, nguy hiểm khi đi vào buổi tối.
Để mở rộng lối lên nhà văn hóa, ông Xèng đã vận động được gia đình có phần đất kế bên bán lại đất với giá 130 triệu đồng. Vì sợ gia đình đó đổi ý, nên ông Xèng về nhà vận động vợ đưa tiền của gia đình để mua đất, rồi ông hiến luôn số đất đó làm đường mở lối lên nhà văn hóa. Con đường từ khu dân cư lên nhà văn hóa được mở mở rộng từ 1,3m thành 5m. Vậy là từ đó, nhà văn hóa khu phố 13 đông vui, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa hàng ngày của người dân trong khu vì có đường lên rộng rãi. Mọi hoạt động của khu phố sôi động lên nhiều, các hoạt động đi vào nền nếp, người dân biết sống đoàn kết cùng bảo ban nhau xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
CCB Nguyễn Đức Chính là người sản xuất kinh doanh giỏi của xã Đông Hải (Tiên Yên). |
Ông Nguyễn Đức Chính, CCB ở xã Đông Hải (Tiên Yên) nổi bật với mô hình trồng chanh tứ mùa. Giống chanh của ông được nhập từ huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), là giống chanh cho thu hoạch quanh năm, quả mọng nước, ít hạt, cây trưởng thành cho từ 1 tạ đến 1,5 tạ quả/cây. Ông Chính đã trồng gần 1.000 cây/1,4ha. Tất cả số chanh đã được thu hoạch, quả sai từ gốc đến ngọn, thu được hơn 20 tấn quả/năm. Dù sản lượng nhiều như vậy, nhưng chanh của ông Chính cũng vẫn không đủ bán, lái buôn đến thu mua tận vườn, có đến đâu bán hết đến đấy.
Không bằng lòng với những thành quả mình đã đạt được, ông Chính thuê thêm đất trồng 10ha cam sành và gần trăm gốc bưởi Diễn, cho thu hoạch 5 tấn quả/năm và tiêu thụ rất tốt vào dịp Tết. Hàng năm, ông Chính thu được 600 triệu đồng từ bán trái cây, trừ chi phí ông còn lãi được hơn 400 triệu đồng/năm.
Ông Chính cũng là người có tấm lòng nhân hậu, nhiều CCB ở các huyện miền Đông đến học hỏi, ngoài chuyển giao kỹ thuật, ông còn giúp hàng trăm cây giống, giúp họ ổn định kinh tế ban đầu.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()