Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:28 (GMT +7)
Tinh thần thoát nghèo, làm giàu ở Đồng Văn
Thứ 7, 14/01/2023 | 08:56:09 [GMT +7] A A
Bản Sông Moóc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) sau những ngày mưa lạnh đầu năm đã khô mát trở lại. Tranh thủ thời tiết này, vợ chồng anh Tằng Dẩu Phồng tăng cường kiểm tra, chăm sóc vườn giống cây lâm nghiệp của mình, sẵn sàng cung ứng những lứa cây quế, hồi, sở giống cho các hộ trong bản trồng mới rừng. Vườn cây giống lâm nghiệp này được vợ chồng anh Tằng Dẩu Phồng mới đầu tư, kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu để trang trải nhiều khoản chi cho 2 vợ chồng, trước mắt là chi cho Tết cổ truyền đủ đầy.
Vợ chồng anh Tằng Dẩu Phồng có diện tích rừng hồi để sản xuất, có sức lao động. Từng là hộ nghèo do vợ chồng trẻ chưa biết cách làm ăn, hơn nữa điều kiện hạ tầng giao thông Sông Moóc trước đây khó khăn, không ít năm vì thương lái không vào tới bản thu mua hồi được nên anh Phồng đành để hồi già rồi rụng trên đồi.
Từ khi Sông Moóc có tuyến đường giao thông đi qua vùng rừng hồi của bà con, rồi lại nối với trung tâm xã Đồng Văn, nối với các xã lân cận, vợ chồng anh Tằng Dẩu Phồng giống như nhiều hộ dân khác trong bản biết tiếc cánh hoa hồi, tích cực đi thu hái về để bán; biết trồng, chăm sóc cây hồi theo hướng thâm canh để tăng năng suất. Cùng với đó vợ chồng anh Phồng nuôi thêm đàn dê, giờ đây làm thêm vườn giống cây lâm nghiệp. Cuộc sống của nhà anh cứ thế khá lên nhờ nguồn thu của những hoạt động sản xuất này.
Giờ đây gia đình anh Phồng không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá trong bản, xây được nhà kiên cố, tự tin tham gia hoạt động xã hội trong bản.
Rất đáng mừng, tại bản Sông Moóc hay rộng ra là toàn xã Đồng Văn hiện nay, những hộ dân có ý chí thoát nghèo, chủ động tìm phương thức làm ăn, biết tận dụng những lợi thế về giao thông - thành quả của tiến trình xây dựng nông thôn mới để phát triển cuộc sống, giống như vợ chồng anh Tằng Dẩu Phồng ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của xã Đồng Văn, năm 2022 toàn xã giảm sâu về số hộ nghèo, cận nghèo. Trên địa bàn xã đã có thêm hàng chục ngôi nhà cao tầng. Rất nhiều gia đình mua sắm được xe ô tô hiện đại phục vụ vận chuyển hàng hoá hoặc phục vụ nhu cầu đi lại. Có hộ dân đã trở thành địa chỉ đầu mối thu mua, buôn bán lâm sản hồi, quế của khu vực. Các mô hình homestay, mô hình liên kết làm du lịch cộng đồng tại Đồng Văn ngày càng được nhân rộng và trở thành điển hình của Bình Liêu.
Có thể thấy homestay A Dào trên bản Pạt Chỉ là một trong những homestay đầu tiên của Đồng Văn, đến nay chưa khi nào giảm sức hút đối với du khách. Vượt qua những hấp dẫn ban đầu là nét hoang sơ của núi rừng Đồng Văn, là vẻ đẹp thuần chất của những cô gái Dao trên núi…, sức hút của A Dào giờ đây còn là ẩm thực ngon, là dịch vụ tắm lá cây rừng tốt cho sức khoẻ, là cung cách phục vụ chuyên nghiệp...
Homestay A Dào thực sự góp phần tạo nên sự lan toả tinh thần làm du lịch của người Đồng Văn, từ một homestay riêng lẻ thành bản, làng homestay. Đây chính là sự phát triển cả về tư duy, nhận thức và hành động của mỗi hộ dân Đồng Văn.
Giờ đây, khi huyện Bình Liêu đang đi đến đích xây dựng nông thôn mới, thì những chuyển động của Đồng Văn, xã từng bị coi là nghèo nhất của Bình Liêu quả thật rất đáng quý. Một mùa xuân mới lại đến, tin rằng Đồng Văn của năm mới sẽ mới hơn, tươi đẹp, ấm no, giàu mạnh hơn, cùng với các xã, thị trấn khác trở thành động lực để huyện biên giới Bình Liêu đạt được những mục tiêu đề ra.
Việt Hoa
- Khám phá dinh thự Vua Mèo trên cao nguyên đá Đồng Văn
- Tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho nhân dân xã Đồng Văn (Bình Liêu)
- Trao tặng 100 suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bình Liêu
- “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” tại Bình Liêu
- Bình Liêu: Chuẩn bị các điều kiện cho vụ trồng rừng mới
- "Bồng bềnh mây sở" Bình Liêu
Liên kết website
Ý kiến ()