Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:03 (GMT +7)
Tình nguyện viên Nhật Bản Kamikawa Mariko - Người đồng hành của bệnh nhân
Thứ 2, 26/08/2024 | 09:57:33 [GMT +7] A A
Tháng 6/2023, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng (LK-PHCN) Quảng Ninh phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp nhận tình nguyện viên Kamikawa Mariko đến làm việc tại Bệnh viện trong 2 năm. Là kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, chị Mariko đã giúp đỡ nhiều người bệnh phục hồi chức năng, nhanh chóng hòa nhập xã hội.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Mariko là nhanh nhẹn, nhiệt tình, nói tiếng Việt khá rõ. Công việc chính của chị Mariko khi đến Bệnh viện LK-PHCN là trực tiếp hướng dẫn, điều trị kỹ thuật hoạt động trị liệu cho người bệnh (sau đột quỵ, chấn thương sọ não; bệnh lão khoa, sa sút trí tuệ; gãy xương, tổn thương gân cơ; bại não, chậm phát triển; trầm cảm; tự kỷ…).
Chị Mariko cho biết: Tôi thường huấn luyện người bệnh các kỹ năng hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày, như: Tập xúc bằng thìa, tập gắp đồ bằng đũa, mặc quần áo, cài khuy áo, uống nước, rửa mặt, chải tóc, di chuyển… Nâng cao hơn nữa là các hoạt động nấu cơm, quét nhà, khâu quần áo, tập viết, đọc sách, sử dụng điện thoại, máy tính… Bệnh viện bố trí 1 phòng bệnh có đầy đủ các dụng cụ trợ giúp hoạt động trị liệu để huấn luyện người bệnh.
Theo chị Mariko, kỹ thuật hoạt động trị liệu là can thiệp rất phổ biến trong lĩnh vực phục hồi chức năng ở Nhật Bản. Bởi hoạt động trị liệu có thể trả lại các chức năng cho người bệnh và giúp người bệnh nhanh chóng hòa nhập xã hội tốt hơn để tiếp tục học tập, làm việc đem lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Các bác sĩ, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu sẽ đánh giá về khả năng phục hồi của từng người bệnh, từ đó có những bài tập luyện cho bệnh nhân để sử dụng tối đa những chức năng còn lại của bản thân khi tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu phải tìm hiểu về môi trường sống, công việc, người chăm sóc, cũng như tỉ mỉ quan sát về thể lực, tâm lý, ý chí của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị tốt nhất.
Với hơn 1 năm làm việc tại Bệnh viện, chị Mariko đã có nhiều đóng góp giúp cải thiện hoạt động trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh tại đây. Sau 6 tháng điều trị được chuyên gia Mariko trực tiếp trị liệu, ông Nguyễn Văn Tâm (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) nhập viện do đột quỵ, liệt nửa người, đã có thể đi lại bình thường. “Hằng ngày cô Mariko hướng dẫn tôi thực hiện các bài tập vận động cả tay phải yếu và tay trái không thuận với những hoạt động cầm, nắm, ném, xúc đồ vật…; giao các bài để tôi tập luyện trong sinh hoạt nhằm cải thiện vận động cánh tay, tự chăm sóc bản thân”, ông Tâm cho biết.
Bác sĩ CKII Phạm Quang Dũng, Giám đốc Bệnh viện, đánh giá: Chúng tôi ghi nhận rất cao ở chuyên gia hoạt động trị liệu Mariko là năng lực chuyên môn tốt, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình, cởi mở với người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện. Kỹ thuật hoạt động trị liệu còn rất mới trong lĩnh vực phục hồi chức năng, do vậy việc chuyên gia hoạt động trị liệu Mariko trực tiếp điều trị, huấn luyện cho người bệnh đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh. Đồng thời cũng là cơ hội để y, bác sĩ trong bệnh viện được trao đổi, tiếp thu những kiến thức mới về kỹ thuật hoạt động trị liệu. Chúng tôi đã bố trí Mariko làm việc ở các khoa có liên quan đến kỹ thuật hoạt động trị liệu như khoa Hoạt động trị liệu, Vật lý trị liệu, Tâm lý trị liệu để có thể hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
Được biết trong ngày 21 và 22/8 vừa qua, Bệnh viện LK-PHCN đã mời chuyên gia hoạt động trị liệu Mariko cùng 8 tình nguyện viên của JICA đang làm việc tại Việt Nam đến trao đổi phương pháp trị liệu, phục hồi chức năng cho nhân viên y tế các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục kết nối để chị Mariko tham gia hoạt động hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới về kỹ thuật hoạt động trị liệu trong phục hồi chức năng cho bệnh nhân. “Tôi rất mong muốn và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đến với các y, bác sĩ của Quảng Ninh. Nhất là việc chia sẻ ý nghĩa và hiệu quả của việc áp dụng mô hình ICF (Phân loại quốc tế về hoạt động chức năng, khuyết tật và sức khoẻ do WHO xây dựng). Đây là mô hình giúp cho các bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng có cái nhìn tổng quan nhất về người bệnh của mình, giúp họ đề ra mục tiêu điều trị cụ thể, đồng thời xây dựng được các phương pháp luyện tập phù hợp nhất với mong muốn của người bệnh dựa trên những khả năng của người bệnh. Qua đó giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả và luôn có ích cho xã hội", chị Mariko nói.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()