Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:36 (GMT +7)
Tính năng 'phụ' trên camera giám sát ngày càng quan trọng
Thứ 3, 24/09/2024 | 09:54:40 [GMT +7] A A
Bên cạnh chức năng chính là theo dõi và cảnh báo, người dùng ngày càng quan tâm đến các tính năng thông minh khác khi lựa chọn camera giám sát cho gia đình.
Trong số các sản phẩm công nghệ, camera giám sát thuộc nhóm đang có mức tăng trưởng bền vững. Theo công ty nghiên cứu 6Wresearch, mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR trong giai đoạn 2023-2029 đạt 12,6%.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, đại diện hãng camera giám sát hoạt động tại Việt Nam cũng cho rằng dấu hiệu tăng trưởng là tỷ lệ camera của mỗi hộ gia đình đang tăng lên. Mức giá ngày càng dễ tiếp cận, chỉ vài trăm nghìn cho một dòng sản phẩm bình dân, giúp mỗi gia đình có thể trang bị 2-3 camera trong nhà.
Ngoài mức giá ngày càng thấp đi, camera giám sát hiện cũng được trang bị nhiều tính năng hơn. Những mẫu camera tầm trung có thể được trang bị 2 ống kính, độ phân giải cao, nhận biết người lạ và cảnh báo, hay trở thành thiết bị gọi điện video từ xa.
"Khi tư vấn cho khách hàng hoặc người thân, tôi nhận thấy mọi người ngày càng quan tâm đến các tính năng thông minh, trước đây chỉ được coi là phụ", ông Vũ Mạnh Giỏi, Quản lý phát triển sản phẩm của Dahua Việt Nam chia sẻ trong một buổi gặp mặt diễn ra tuần qua.
Ngoài sản phẩm hướng tới người dùng gia đình, các giải pháp theo dõi bằng camera đang ngày càng phổ biến và cung cấp các tính năng thông minh. Theo dõi và chụp lại biển số xe, ghi nhận và đếm người ra vào, hay cảnh báo đám cháy, nhiệt tăng cao bất thường... là một số tính năng ở các dòng camera công nghiệp.
Thị trường camera giám sát Việt Nam hiện chủ yếu thuộc về các công ty lớn của Trung Quốc như Dahua, Hikvision và các thương hiệu con. Trong phần thuyết minh về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho IP camera, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, cho thấy có tới 3,2 triệu camera nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm, trong đó 96,3% từ Trung Quốc.
"Ước tính đến 2025, Việt Nam có hơn 20 triệu camera giám sát được sử dụng, bằng 1/5 dân số cả nước", văn bản của Bộ nêu.
Trước đây, các sản phẩm nhập qua đường tiểu ngạch cũng khá phổ biến. Không chỉ làm thất thoát thuế, sản phẩm nhập lậu còn có nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật, không có đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng.
Tình trạng này giảm bớt trong vài năm gần đây. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của công ty KBT, mức giá giữa sản phẩm nhập chính hãng và tiểu ngạch không còn chênh lệch nhiều. Ngoài ra, người dùng cũng quan tâm đến các cấn đề bảo mật, hỗ trợ sau bán hàng hơn, nên phần lớn chuyển sang lựa chọn các sản phẩm nhập chính ngạch.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các sản phẩm không chính ngạch. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ tiêu chí về an toàn thông tin mạng cho camera giám sát, yêu cầu các thiết bị phải có khả năng thiết lập, lưu trữ và xử lý dữ liệu tại Việt Nam. Các yêu cầu này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra rào cản kỹ thuật đối với hàng nhập lậu.
Theo dự thảo quy chuẩn, camera lưu hành, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như khởi tạo mật khẩu mặc định duy nhất, quản lý lỗ hổng bảo mật, cập nhật, quản lý kênh giao tiếp, bảo vệ dữ liệu người dùng, xóa dữ liệu.
Một số yêu cầu chi tiết được nhắc đến như mật khẩu mặc định phải được khởi tạo duy nhất trên mỗi thiết bị và phải đáp ứng về độ phức tạp, ví dụ tối thiểu 8 ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, chữ số và ký tự đặc biệt; nhà sản xuất phải công bố bản cập nhật trong vòng 3 ngày đối với lỗ hổng bảo mật và 5 ngày đối với lỗi phần mềm hệ thống.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng căn cứ theo tiêu chuẩn do Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI) phát triển cho các thiết bị IoT tiêu dùng, hiện được nhiều nước áp dụng.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()