Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:48 (GMT +7)
Tính kế đường dài để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong đại dịch
Thứ 4, 18/08/2021 | 22:47:28 [GMT +7] A A
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những biện pháp mang tính tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” gặp nhiều thách thức trong triển khai thực tế... Do đó, thời gian tới cần có những điều chỉnh thích hợp để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, tránh nguy cơ bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu khi sản xuất đình trệ.
Nhiều khó khăn trong thực tế
Thời gian qua, phương án "3 tại chỗ" đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh lại gặp nhiều bất cập. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do số lượng các doanh nghiệp cũng như công nhân ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn hẳn Bắc Ninh, Bắc Giang, trong khi dịch đã lan rộng từ trước khi bắt đầu áp dụng "3 tại chỗ". Ngoài vấn đề chi phí để thiết lập phương án "3 tại chỗ", phương án này không thể đảm bảo duy trì được 100% lượng công nhân.
Bên cạnh đó, do dịch đã lan rộng trong cộng đồng xung quanh nên doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng bị đe dọa bùng phát dịch, khi đó chi phí để xử lý ổ dịch còn tốn kém hơn nữa. Do vậy, một số doanh nghiệp sau thời gian áp dụng "3 tại chỗ" đã phải dừng, chấp nhận đóng cửa nhà máy.
“Không có sản xuất thì không có hàng hóa để lưu thông trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp dừng sản xuất thì các lô hàng nhập khẩu cũng không được tiếp nhận, xử lý, gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng. Trong khi đó, vận chuyển đường bộ dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn có những khó khăn ở từng chốt, trạm cụ thể do lực lượng thi hành”, ông Trần Thanh Hải cho hay.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu dẫn chứng, một doanh nghiệp điện tử cho biết, cứ mỗi tuần dừng sản xuất thì phải cần ít nhất 2 - 3 tuần để phục hồi. Đến nay, doanh nghiệp dừng sản xuất đã 5 tuần, như vậy ngay cả lúc này nếu được hoạt động trở lại thì cũng phải 3 - 4 tháng nữa doanh nghiệp mới có thể mong trở lại tình trạng như trước khi có dịch. Mà đến thời điểm này, vẫn chưa thể biết khi nào doanh nghiệp sẽ được hoạt động trở lại, khi TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9.
Theo ông Trần Thanh Hải, nếu chỉ nhìn vào con số xuất khẩu, 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với trị giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 71 tỷ USD, trung bình mỗi ngày khu vực này xuất khẩu 390 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng. Dù không phải tất cả doanh nghiệp trong khu vực này đã dừng sản xuất, một số doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục xuất khẩu lượng hàng đã sản xuất trước đó, nhưng con số trên phần nào cho thấy tác động của đại dịch đối với nền kinh tế nếu sản xuất chưa được phục hồi.
Cùng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những biện pháp mang tính tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” gặp nhiều thách thức bởi chỉ thích hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và chỉ có thể diễn ra trong 1-2 tuần.
“3 tại chỗ nếu áp dụng lâu dài thì không thể chịu nổi. Có hai vấn đề. Một là bản thân người lao động không chịu được về mọi mặt. Hai là với doanh nghiệp, chi phí để áp dụng mô hình này rất lớn”, ông Lộc nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể áp dụng phương án “ba tại chỗ”.
Theo bà Xuân, nói như vậy không có nghĩa là phản bác “ba tại chỗ”, vì phương án này đã phát huy hiệu quả khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, thực tế đã có những doanh nghiệp làm rất tốt. Vì vậy, với những doanh nghiệp nào làm tốt thì vẫn duy trì và khuyến khích. Tuy nhiên, vẫn nên có lộ trình để mở ra giải pháp 2 tại chỗ kết hợp test nhanh. Bởi mô hình “hai tại chỗ” sẽ linh hoạt hơn. “Nếu chỉ áp dụng khiên cưỡng một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp có thể sẽ thất bại”, bà Xuân nhấn mạnh.
Linh hoạt giải pháp giúp doanh nghiệp sinh tồn
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong công văn số 4769 ngày 6/8/2021 gửi Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Cụ thể là, ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", nên bổ sung các hình thức duy trì sản xuất khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Ngoài ra, quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh. Địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.
Theo ông Trần Thanh Hải, những đề xuất này là khá tổng hợp và sát với thực tế hiện nay để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, từng bước giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại văn bản số 6565 ngày 12/8/2021 cập nhật hướng dẫn về phòng chống dịch tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, Bộ Y tế vẫn chưa có quy định hướng dẫn các nội dung nêu trên.
“Tôi cho rằng, để hiện thực hóa ý tưởng tạo "vùng xanh" cho sản xuất, nên cho phép những doanh nghiệp đã có đa số công nhân đã được tiêm vắc xin, đáp ứng yêu cầu giãn cách trong sản xuất, trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân được hoạt động trở lại, không yêu cầu phải "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm”, ông Trần Thanh Hải kiến nghị.
Còn theo Chủ tịch VCCI, với tình hình hiện tại, vaccine là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60 - 70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Người đứng đầu VCCI cũng cho rằng giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Cải cách thể chế chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()