Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn
Thứ 6, 06/12/2024 | 13:41:15 [GMT +7] A A
Trong 2 ngày 5 và 6/12, đã diễn ra Kỳ họp 23 HĐND tỉnh khóa XIV. Kỳ họp tập trung đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh ghi lại nhiều ý kiến, kỳ vọng của cử tri và nhân dân vào một năm mới nhiều thành công.
Cô giáo Lê Thị Xuân Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long: "Bổ sung biên chế cho ngành giáo dục" Thời gian qua, ngành Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, ngành và địa phương từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho tới đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 213/NQ-HĐND (ngày 10/7/2024) về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2024. Chính sách được ban hành trước thềm năm học 2024-2025 đã cơ bản tháo gỡ tình trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Kỳ họp 23 HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét để ban hành nghị quyết phê duyệt bổ sung 166 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2025. Hi vọng rằng, nghị quyết được thông qua góp phần giải quyết khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tại các địa phương, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. |
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên Đặng Văn Thanh: "Vui mừng trước những kết quả tỉnh đạt được" Năm 2024, triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng, pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát, giải pháp quyết liệt, quyết tâm của hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, công tác an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo toàn diện. Nhiều công trình giao thông, trường học, nhà ở của người dân, nhất là các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, miền núi được đầu tư xây dựng kiên cố. Bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ, phát huy trở thành sản phẩm hấp dẫn cho du khách. Đặc biệt, năm nay, huyện Tiên Yên vinh dự đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cử tri và nhân dân vô cùng vui mừng. Tôi hi vọng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bứt phá trong năm 2025, xây dựng tỉnh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại. |
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố Giếng Chanh, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên Nguyễn Thị Tím: "Tin tưởng vào nhiều quyết sách đột phá của tỉnh" Cơn bão số 3 càn quét qua địa bàn đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Mặc dù vậy, toàn tỉnh giữ vững đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, chủ động, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri và nhân dân phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm tới. Thời gian tới, cử tri mong muốn, tỉnh quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bão số 3; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao; chỉnh trang đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân. |
Bí thư Chi bộ, Quản đốc Phân xưởng Khai thác 12, Công ty CP Than Vàng Danh Ngô Văn Khương: "Phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm", tạo sức mạnh đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu" Cán bộ, đảng viên Phân xưởng Khai thác 12 nói riêng, toàn Công ty CP Than Vàng Danh nói chung rất tự hào về tinh thần đoàn kết “Kỷ luật và đồng tâm” của người dân Vùng mỏ trong việc khắc phục thiên tai. Mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, song tỉnh và ngành Than đã đồng hành thực hiện tốt nhiệm vụ khắc phục hậu quả và nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã giúp các đơn vị ngành Than nhanh chóng khắc phục hạ tầng giao thông, hệ thống điện, viễn thông… phục vụ sản xuất than trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất sau bão số 3. Các cấp công đoàn đã thăm hỏi, hỗ trợ động viên công nhân vực lên sau bão ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân. Tại phân xưởng, nhiều phong trào thi đua lao động giỏi, thu nhập cao dịp cuối năm đã và đang đẩy mạnh, tinh thần đoàn kết, thi đua được đẩy cao nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm 2024. Điều đó minh chứng càng khó khăn bao nhiêu, tinh thần đoàn kết của công nhân Vùng mỏ càng đẩy cao hơn bao giờ hết. Trong thời tới, tôi mong tỉnh và ngành Than tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân, đầu tư thích đáng ứng dụng công nghệ sản xuất, cải thiện điều kiện việc làm, vấn đề nhà ở cho người lao động an cư lạc nghiệp. |
Chị Nguyễn Thúy Vinh, khu Sơn Thạch (phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả": "Quan tâm ban hành các chính sách cho người dân" Việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 của Quảng Ninh đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là cơn bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Gia đình tôi có toàn bộ 10ha nuôi cá lồng bè bị bão số 3 nhấn chìm. Tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã kịp thời huy động cả hệ thống chính trị gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ với các gia đình không may bị nạn, khắc phục ngay các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giao thông, môi trường, viễn thông… Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão, như: Hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và khó khăn… Đối với các hộ bị thiệt hại sản xuất, tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết ủy thác nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất, từ đó, giúp gia đình tôi tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Tôi có thêm nguồn vốn mua sắm lại phao nhựa, khôi phục lại toàn bộ bè nuôi, xuống giống được hơn 70% diện tích. Từ đó, từng bước tái sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo thu nhập cho gia đình, cũng như, đóng góp tích cực để hoàn thành chỉ tiêu của ngành thủy sản, kinh tế - xã hội địa phương và tỉnh. |
Anh Ngô Đức Hùng, Công nhân Công ty Nhiệt điện Uông Bí: "Nhiều chính sách quan trọng với người dân được ban hành" Tôi thường xuyên theo dõi các kỳ họp của HĐND tỉnh qua báo điện tử, truyền hình, phát thanh… Qua theo dõi, kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm, tôi thấy nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh được bàn thảo. Đáng chú ý, đó là nội dung về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Tôi được biết, giá danh mục kỹ thuật sẽ điều chỉnh với mức tăng trung bình 11% tuỳ từng dịch vụ được triển khai tại các cơ sở y tế theo phân tuyến từ tuyến tỉnh tới tuyến cơ sở. Mức tăng này được áp dụng tương đương với người có BHYT cũng như không có BHYT, trừ các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Do đó, dù chi phí khám chữa bệnh có tăng, thì người có BHYT cũng ít bị ảnh hưởng. Chính sách này thông qua sẽ góp phần nâng tỷ lệ người tham gia BHYT, giúp các cơ sở y tế bù đắp một phần chi phí, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. |
Cao Quỳnh - Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()