Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 06:28 (GMT +7)
Tin tốt cho người thích uống cà phê và trà
Thứ 7, 21/09/2024 | 08:17:24 [GMT +7] A A
Có một tin tốt cho những người yêu thích cà phê và trà. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ caffeine ở mức độ vừa phải làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh như đái tháo đường type 2, đột quỵ hoặc tim mạch.
1. Khuyến khích những người khỏe mạnh uống trà và cà phê điều độ
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Lâm sàng đã phát hiện ra rằng những người uống khoảng ba tách cà phê hoặc trà mỗi ngày có nguy cơ mắc hai hoặc nhiều bệnh tim mạch chuyển hóa thấp hơn 48% so với những người uống ít hơn một tách mỗi ngày.
TS. Chaofu Ke, Phó giáo sư tại Khoa Dịch tễ học và Thống kê sinh học thuộc Đại học Tô Châu ở Trung Quốc, đồng tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện này nhấn mạnh rằng việc khuyến khích những người khỏe mạnh uống cà phê hoặc caffeine ở mức độ vừa phải như một thói quen ăn uống có thể mang lại lợi ích sâu rộng trong việc phòng ngừa các bệnh tim mạch chuyển hóa".
2. Caffeine ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch chuyển hóa như thế nào?
Để đánh giá cách caffeine có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch chuyển hóa, các nhà nghiên cứu đã phân tích thói quen sử dụng caffeine của khoảng 360.000 người trong độ tuổi từ 37 đến 73 từ UK Biobank, một nghiên cứu theo chiều dọc lớn bao gồm dữ liệu sức khỏe ẩn danh từ những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi về mức tiêu thụ caffeine và thói quen của họ. Những người tham gia không có tiền sử bệnh tim mạch chuyển hóa khi nghiên cứu bắt đầu.
Các nhà khoa học đã xem xét mức tiêu thụ caffeine và liệu những người tham gia có mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa hay không.
Sau khi tính toán các con số, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tiêu thụ khoảng 200 đến 300 miligam (mg) caffeine mỗi ngày có nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch chuyển hóa thấp hơn so với những người uống ít hơn 100 mg mỗi ngày. Những người tham gia chọn cà phê làm thức uống có caffeine có nguy cơ thấp nhất, giảm khoảng 50%. Trong khi đó, những người tiêu thụ cà phê và trà có khả năng mắc các tình trạng sức khỏe tim mạch chuyển hóa thấp hơn khoảng 40%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng caffeine dường như không có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch đối với 4% những người tiêu thụ hơn 400 mg caffeine - từ cà phê hoặc trà hoặc cả hai.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ lý do tại sao caffeine có thể cải thiện sức khỏe tim mạch chuyển hóa. Tuy nhiên, Ke cho biết một lượng caffeine vừa phải hàng ngày có thể điều chỉnh mức độ các chất chuyển hóa cụ thể - các hợp chất được tạo ra khi cơ thể phân hủy thức ăn và chất lỏng - liên quan đến bệnh tim mạch chuyển hóa, chẳng hạn như một số lipid.
Các tác giả chỉ ra một số hạn chế của nghiên cứu, bao gồm việc nghiên cứu này đánh giá caffeine như một thành phần trong cà phê hoặc trà nhưng không đánh giá đồ uống có gas, đồ uống tăng lực. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ tìm thấy mối liên hệ giữa lượng caffeine vừa phải và nguy cơ mắc bệnh tim mạch chuyển hóa thấp hơn nhưng không chứng minh được nguyên nhân.
Ke cho biết: "Các nghiên cứu trong tương lai cần được thực hiện để có cái nhìn sâu sắc hơn về con đường từ việc hấp thụ caffeine đến các chất chuyển hóa lưu thông và sau đó là bệnh tim chuyển hóa".
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa nhưng phát hiện của nghiên cứu cho thấy lượng caffeine vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa không phải là hoàn toàn mới. Tiến sĩ Jonathan Fialkow, Phó giám đốc khoa Tim mạch lâm sàng tại Viện Tim mạch và Mạch máu Miami chia sẻ: "Xét về mặt chuyển hóa, mặc dù chưa có kết luận chắc chắn nhưng mối liên hệ với những lợi ích đã được báo cáo một cách chắc chắn".
Các nghiên cứu trước đây tập trung vào những người uống cà phê ở mức độ vừa phải đã chỉ ra rằng họ có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa thấp hơn, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh gan và ít gặp các biến cố như đau tim hơn.
Tuy nhiên, "điểm thú vị của nghiên cứu này là họ đã tìm ra mối liên hệ giữa nguy cơ mắc bệnh tim chuyển hóa thấp hơn với caffeine có trong các loại đồ uống như cà phê hoặc trà", Tiến sĩ Samuel Mathis, phó giáo sư Y học Gia đình tại Khoa Y Đại học Texas ở Galveston đánh giá.
Ông nói thêm rằng các nhà nghiên cứu thường cho rằng lợi ích của cà phê không phải là do caffeine mà là do polyphenol, một hợp chất có trong trái cây, rau và các loại đậu có đặc tính chống viêm.
3. Uống bao nhiêu cà phê là quá nhiều?
Các chuyên gia đều đồng ý rằng nếu uống một đến ba tách cà phê mỗi ngày và không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, chẳng hạn như trào ngược acid hoặc đánh trống ngực, thì có lý do chính đáng để tiếp tục thói quen này.
Tuy nhiên, cần lưu ý các chất bổ sung như đường, chất tạo ngọt nhân tạo hoặc kem tươi, những thứ làm tăng lượng calo và do đó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa.
Tiến sĩ Samuel Mathis không khuyến khích uống cà phê hoặc trà lần đầu hoặc dùng thực phẩm bổ sung caffeine chỉ dựa trên kết quả nghiên cứu. Ông cũng cảnh báo không nên uống quá nhiều caffeine, ngay cả đối với những người thường xuyên tiêu thụ. Một tách cà phê thông thường có khoảng 100 mg caffeine, trong khi một shot espresso có khoảng 63 mg. Một ly espresso lớn từ quán cà phê yêu thích có thể có bốn shot, đây là điều cần tránh.
Mathis cho biết thêm, nhiều người đang tiêu thụ quá nhiều caffeine trong chế độ ăn uống của mình, điều này có thể gây ra tình trạng cáu kỉnh, khó ngủ và các triệu chứng cai nghiện nếu họ không bổ sung caffeine trong thời gian dài.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ hơn 400 miligam caffeine mỗi ngày có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp theo thời gian, còn một số nghiên cứu khác chỉ ra mối liên hệ giữa lượng caffeine tiêu thụ lớn hơn và nguy cơ mắc chứng mất trí, đột quỵ cao hơn.
Còn TS. Fialkow lưu ý, caffeine không phải là giải pháp hoàn hảo để cải thiện sức khỏe trao đổi chất, bất kể bạn có tiêu thụ nó một cách có trách nhiệm hay không. Cần nhớ, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh xa thuốc lá và rượu, duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp khỏe mạnh hơn nhiều so với một vài tách cà phê.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()