Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:29 (GMT +7)
Tín hiệu khởi sắc của văn hóa đọc
Thứ 6, 04/03/2022 | 14:15:55 [GMT +7] A A
Ngày càng có nhiều hoạt động, dự án khuyến đọc, trao tặng tủ sách được thực hiện nhằm khích lệ tinh thần đọc sách của người dân trên cả nước.
Thời gian gần đây, một số dự án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng liên tiếp được triển khai, tạo ra không gian đọc, khuyến khích người dân tiếp cận sách.
Tiếp nối hoạt động của hội sách trực tuyến quốc gia trên sàn Book365.vn, mới đây, hệ thống cà phê kết hợp thư viện Wiselands được hình thành. Đây là nơi độc giả có thể giao lưu, đọc sách miễn phí, cùng nhau kết nối và chia sẻ tri thức. Hai không gian đầu tiên thuộc hệ thống này khai trương từ ngày 11/2.
Bên cạnh không gian đọc Wiselands, một số dự án khuyến đọc cũng được tổ chức trong tháng hai vừa qua, đánh dấu những tín hiệu khởi sắc cho nền văn hóa đọc trong nước.
Chung tay phát triển văn hóa đọc
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định những năm gần đây, ngành xuất bản thực hiện nhiều đầu sách nhưng vẫn chưa đạt được mong muốn, kỳ vọng đề ra. Lý do nằm ở việc chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động khuyến đọc.
Tham dự lễ ra mắt dự án “Khuyến đọc Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Nguyên thông tin vừa qua, một số đơn vị làm sách và Hội Xuất bản Việt Nam đã có được những thành quả lao động nhất định.
Cụ thể, Wiselands đang tiến hành dự án tạo ra không gian cho các bạn trẻ tiếp cận văn hóa đọc thông qua việc đưa sách vào quán cà phê. Hay dự án “Nhà văn hóa - Không gian văn hóa đọc cộng đồng” của Tân Việt Books cũng là một ý tưởng độc đáo khi cải tạo và biến nhà văn hóa thành không gian đọc trong thôn bản.
“Không chỉ riêng những dự án này, ngoài kia còn rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng đang cố gắng xây dựng tủ sách, thư viện tại địa phương. Tôi tin tới đây, sẽ có nhiều đơn vị cùng hưởng ứng và thực hiện những dự án tương tự để lan tỏa tinh thần đọc sách”, ông Nguyên bày tỏ.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho rằng nếu nhiều cá nhân, tập thể cùng chung tay thực hiện khuyến đọc, văn hóa đọc sẽ có nhiều khởi sắc.
“Đưa Hà Nội trở thành thủ đô sách thế giới hay Hội Xuất bản Việt Nam trở thành khách mời danh dự tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt là ước mơ còn xa. Nhưng để đạt được kỳ vọng đó, chúng ta phải bắt đầu khuyến đọc từ hôm nay”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - người khởi xướng dự án “Khuyến đọc Việt Nam" - cho biết sự kiện này chỉ là mở đầu cho chuỗi hoạt động khuyến đọc trong năm 2022 và nhiều năm tiếp theo.
Với số tiền 222 triệu đồng gây quỹ khuyến đọc, ông Hùng sẽ tổ chức cuộc thi để chọn ra cá nhân, tập thể có đóng góp cho việc thúc đẩy văn hóa đọc bằng nhiều ý tưởng, hành động cụ thể trong năm nay.
Theo ông, để kiến tạo một con người hiện đại, có thể mất vài thế hệ. Việc đọc sách cũng thế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi con người còn quá nhiều thú vui giải trí hấp dẫn khác như truyền hình, âm nhạc hay ẩm thực. Chúng mang lại hứng thú ngay tức thì, trong khi đó, việc đọc sách cần nhiều thời gian để “ngấm”.
“Tôi dự đoán sau 20 năm nữa, văn hóa đọc mới có sự thay đổi đáng kể. Nhưng tôi chờ đợi sau 10 năm, chúng ta có thể nhìn thấy được một số chuyển biến: Các phòng đọc mở ra nhiều hơn, ngày càng có nhiều cơ quan, gia đình có tủ sách... Khó khăn còn rất nhiều, nhưng nếu hôm nay không bắt đầu thì bao giờ chúng ta mới có tín hiệu khởi sắc về văn hóa đọc?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Việc đọc cần trở thành thói quen
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14 - cho rằng bản tính người Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù, nhưng lại chưa thực sự hứng thú đọc sách. Ông đánh giá cao các dự án khuyến đọc vì cho rằng chúng sẽ góp phần củng cố ý thức của người dân trong việc đọc sách.
Nhìn nhận về các dự án khuyến đọc gần đây, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng những hoạt động đó đều góp phần tác động nhất định đến phong trào đọc sách, khiến người dân có nhận thức tốt đẹp hơn về sách.
“Với các dự án này, tôi tin rằng số lượng người đọc và quan tâm đến sách sẽ nhiều lên mỗi ngày. Song, đó chưa phải giải pháp quyết định cho việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”, ông Lê Hoàng nói.
Ông dẫn lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng chạm tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả ‘khám phá kho báu tri thức’ hay 'nâng cao văn hóa đọc’ như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Theo ông Lê Hoàng, văn hóa đọc sẽ phát triển một cách căn cơ, bài bản khi việc đọc trở thành thói quen và thói quen đó phải được hình thành từ nhỏ.
“Xét cho cùng, các dự án khuyến đọc hiện nay dù không phải yếu tố tiên quyết, vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận, góp phần nhất định đưa thói quen đọc sách đến cộng đồng một cách nhanh hơn”, ông Lê Hoàng đánh giá.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng thông tin bên cạnh các dự án khuyến đọc, tạo dựng không gian đọc cộng đồng, toàn ngành đang tìm cách tác động đến cơ chế chính sách, triển khai các biện pháp hình thành thói quen đọc cho trẻ từ môi trường xung quanh: Gia đình, trường học, xã hội; thông qua các hoạt động như tổ chức tiết đọc sách, xây dựng tủ sách gia đình...
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()