Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:59 (GMT +7)
Tin giả, tin đồn bủa vây thị trường chứng khoán
Thứ 7, 16/04/2022 | 10:27:08 [GMT +7] A A
Hàng loạt cổ phiếu các nhóm ngành đang bị ảnh hưởng bởi thông tin giả mạo, tin đồn trên các hội nhóm mạng xã hội mà cơ quan quản lý vẫn chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh.
Thay vì bàn luận về kết quả kinh doanh, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, yếu tố vĩ mô tác động đến thị trường, chủ đề được các nhà đầu tư chứng khoán bàn luận nhiều nhất trong các hội nhóm Facebook, Zalo, Telegram... gần đây chủ yếu là tin đồn.
Từ việc chủ tịch mới của Tập đoàn FLC - ông Đặng Tất Thắng - mua vào 100 triệu cổ phiếu FLC, đến việc Bộ Công an sắp khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt doanh nhân nổi tiếng, nhiều doanh nghiệp sắp bị thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu… Tất cả thông tin đều được nhà đầu tư bàn luận sôi nổi trong các hội nhóm mạng xã hội.
Không chỉ dừng ở mức bàn luận, những tin đồn như vậy đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định đầu tư của cá nhân mới tham gia thị trường chứng khoán, tác động không nhỏ tới giá các cổ phiếu doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là tác động theo hướng tiêu cực.
Tin đồn làm giá cổ phiếu
Cụ thể, sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố, hàng loạt thông tin chưa kiểm chứng cho rằng cơ quan chức năng sẽ khởi tố và xử lý thêm các cá nhân, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường ngân hàng, bất động sản xuất hiện. Điều này khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản chịu áp lực bán tháo mạnh và giảm liên tục trong nhiều phiên gần đây.
Trong nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, từ những cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes); NVL (Novaland); KDH (Khang Điền); NLG (Nam Long); PDR (Phát Đạt), tới nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp hơn như DXG (Đất Xanh); HDG (Hà Đô); CEO (Tập đoàn CEO); DIG (DIC Corp)… đều chịu xu hướng giảm mạnh 10-20% trong tuần này.
Tương tự, tin đồn xuất hiện từ “một trang giấy A4 không rõ nguồn gốc” (theo mô tả của Tập đoàn Hoa Sen) về việc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG); Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) và Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam (GEX) bị thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu cũng khiến các cổ phiếu này sụt giảm mạnh.
Chỉ tính riêng tuần này, thị giá HSG đã giảm gần 6%; GEX giảm 7%; KBC giảm 3%... Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu liên quan cũng chịu xu hướng giảm mạnh như IDC (Idico) giảm 15%; VGC (Viglacera) giảm 10%; VIX (Chứng khoán VIX) giảm 14%...
Dù các công ty này đã lên tiếng và khẳng định những tin đồn đều không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây mất an ninh, an toàn thị trường, tuy nhiên, giá cổ phiếu thì đã sụt giảm và đa số nhà đầu tư đều đã chịu thua lỗ.
Trên thực tế, đây không lần đầu thị trường chứng khoán bị chi phối bởi các tin đồn thất thiệt. Trước đó, thị trường từng không ít lần chao đảo trước các tin đồn liên quan tới việc các cá nhân, doanh nghiệp lớn bị khởi tố.
Mức xử phạt quá nhẹ
Hồi tháng 2/2013, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một trong những phiên giao dịch tiêu cực nhất trong lịch sử khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà (khi đó là Chủ tịch HĐQT BIDV) bị bắt. Chưa cần xác minh độ chân thực của thông tin, các nhà đầu tư đã liên tục bán tháo cổ phiếu, đẩy thị trường chứng khoán giảm sâu với chỉ số VN-Index giảm 3,7% và HNX-Index giảm 5,3% trong một ngày. Nếu tính theo chỉ số hiện tại, phiên giao dịch này tương đương mức giảm hơn 50 điểm trên VN-Index và hơn 22 điểm trên HNX-Index.
Đến tháng 8/2017, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chao đảo với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Nguyên nhân một lần nữa đến từ tin đồn ông Hà bị bắt. Ước tính, trong lần thứ 2 ông Trần Bắc Hà vướng tin đồn bị bắt này, thị trường chứng khoán trong nước đã bốc hơi tổng cộng 1,8 tỷ USD vốn hóa (tương đương hơn 4 tỷ USD nếu tính theo tỷ lệ hiện tại).
Hay như đầu năm 2022 mới đây, tin đồn cho rằng Ủy ban Chứng khoán từ chối việc tăng vốn của một số công ty chứng khoán đã khiến nhóm cổ phiếu này lao dốc hàng loạt, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán giảm sàn và là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index giảm hơn 43 điểm.
Theo các chuyên gia tài chính, tin đồn là một phần không thể thiếu trên thị trường chứng khoán và cổ phiếu nào tăng theo tin đồn thì cũng có thể giảm theo tin đồn và ngược lại.
Tuy nhiên, việc chế tài xử phạt các hành vi phát tán tin đồn, tin giả, quá nhẹ khiến các tin đồn vẫn có “đất sống”.
Như trong sự kiện cựu chủ tịch BIDV vướng tin đồn bị bắt năm 2013, cơ quan quản lý sau đó đã xác định được 3 đối tượng đứng sau việc phát tán thông tin. Tuy nhiên, mức phạt mà các đối tượng này phải nhận chỉ là xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Đồng thời, 3 đối tượng bị phạt tiền 10-15 triệu đồng.
Nguyên nhân do cơ quan thanh tra xác định sai phạm của các cá nhân này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự song đã vi phạm Nghị định 63/2007 quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Quy định pháp luật đã rất đầy đủ, tuy nhiên việc xử lý hình sự ít được áp dụng, cần phải xác định được đối tượng có hưởng lợi bất chính từ việc tung tin đồn thì mới đủ cơ sở để xử lý, bằng không chỉ có thể xử phạt hành chính và phạt tiền vài chục triệu. Chế tài xử phạt quá nhẹ là nguyên nhân khiến tin giả, tin đồn vẫn ngày ngày được phát tán trên mạng”, một vị chuyên gia (đề nghị giấu tên) chia sẻ.
Tăng chế tài xử phạt hành vi tung tin giả, tin đồn
Các chuyên gia khác cũng cho rằng sở dĩ tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt về thị trường vẫn thường xuyên diễn ra là do mức xử phạt chưa nghiêm.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc hội sở Mirae Asset, cho biết việc tin đồn có "đất sống" có 2 nguyên nhân chính gồm luật và bộ phận liên đới.
Về phía quy định pháp luật, đó chính là quy định về công bố thông tin tại Thông tư 96/2020/TC-BTC, dù đã quy định rất rõ về các hành vi vi phạm nhưng lại chưa cập nhật thêm hiệu ứng về tin đồn lan truyền qua không gian mạng.
Vì vậy, những người có liên quan tới tin đồn cũng không có cơ sở nào để chủ động công bố thông tin nhằm dập tắt tin đồn hay đính chính cho cá nhân khỏi luồng lo ngại của dư luận.
Ông Tuấn cho rằng Bộ Tài Chính có thể cũng đã nhìn thấy sự lỗi thời này và sẽ có thông tư sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình mới của truyền thông và thông tin.
Trong khi đó, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán, cho biết một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản thời gian gần đây đã khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân trở nên thận trọng và ảnh hưởng tới thị trường.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán khẳng định trong thời gian tới, cơ quan quản lý chứng khoán sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên thị trường.
Một trong những nhiệm vụ được Ủy ban Chứng khoán đưa ra là phối hợp với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.
Trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, bà Bình khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()