Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:47 (GMT +7)
Tin giả ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng tại Bulgaria
Thứ 5, 12/08/2021 | 15:51:22 [GMT +7] A A
Trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19 ở thủ đô Sofia của Bulgaria gần như không một bóng người. Đây là một trong những ví dụ cho thấy những nỗ lực tiêm chủng của nước này đang vấp phải trở ngại, khi tin giả và sự ngờ vực trong dân chúng lan rộng.
Trong bối cảnh làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đang đe dọa quốc gia Balkans này, những số liệu thống kê chính thức cho thấy mới chỉ có 15% trong tổng dân số 6,9 triệu người của Bulgaria đã được tiêm chủng đầy đủ, kém xa mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 53,3%.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Bộ trưởng Y tế Stoycho Katsarov thừa nhận: "Chúng tôi đã tụt hậu ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng".
Có thể thấy rõ những yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ngay trên đường phố ở thủ đô Sofia. Khi được hỏi về mức độ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19, ông Georgy Dragoev - một công nhân xây dựng 45 tuổi - trả lời ngay với ý giễu cợt: "Chắc chắn là không rồi. Tôi nghĩ rằng họ (chính phủ) chỉ đang cố gieo rắc sự hoảng sợ đấy thôi. Nếu con virus ấy tồn tại, tôi sẽ bắt nó và sẽ đánh bại nó”.
Một cuộc thăm dò do công ty phân tích và tư vấn Gallup (Mỹ) thực hiện gần đây cho thấy có tới 41,8% số người Bulgaria được hỏi đã từ chối tiêm chủng ngừa COVID-19.
Cô Katerina Nikolova - một kế toán viên 39 tuổi - cho biết việc tiêm phòng "không phải là một quyết định dễ dàng". Quy trình thử nghiệm lâm sàng đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 diễn ra quá nhanh khiến cô lo ngại.
Bên cạnh đó, những tin tức gây hoang mang liên quan virus SARS-CoV-2 cũng khiến người dân nảy sinh tâm lý do dự việc tiêm phòng.
Chiến dịch cải chính tin giả do hãng tin AFP của Pháp triển khai từ giữa tháng 3 vừa qua cho thấy trong khoảng thời gian này, có tới 50% số bài báo được xuất bản liên quan tin giả về COVID-19.
Trong số các tin tức được lan truyền có giả thuyết cho rằng việc tiêm vaccine có nghĩa là cấy chip máy tính vào cánh tay của người được tiêm, hay hình ảnh những người hâm mộ bóng đá ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Pháp tại World Cup 2018 được gắn mác là những cuộc biểu tình phản đối chứng nhận y tế về COVID-19 tại nước này… Những thông tin sai lệch sự thật đã được chia sẻ tới hàng nghìn lần trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook.
Theo chuyên gia truyền thông Nelly Ognyanova, các phương tiện thông tin đại chúng tại Bulgaria cũng có trách nhiệm trong việc công tác tuyên truyền chống đại dịch COVID-19 chưa đạt hiệu quả. Bà nêu rõ: "Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, ý kiến trước công chúng của các chuyên gia và những nguồn khác nữa cần chịu trách nhiệm chung về tâm lý bài vaccine của người dân, cũng như những thông tin về vai trò và độ an toàn của vaccine”.
Trong khi đó, chuyên gia Parvan Simeonov thuộc Gallup International bổ sung rằng sự hoài nghi đối với vaccine cũng phản ánh "sự bất bình đối với giới tinh hoa" của người dân Bulgaria và rộng hơn nữa là sự thiếu tin cậy đối với các cơ quan chức năng và nguồn thông tin chính thức.
Theo số liệu thống kê chính thức, Bulgaria hiện có chưa tới 430.000 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia và cơ quan y tế đều nhất trí cho rằng con số này trên thực tế chắc chắn cao hơn nhiều, bởi công tác xét nghiệm COVID-19 miễn phí ở nước này chỉ thực hiện ở mức hạn chế, trong khi người dân không muốn chi tiền cho biện pháp tầm soát này.
Hiện Bulgaria là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất EU, với 263 ca trên 100.000 dân.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()