Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:44 (GMT +7)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký kiểm tra công tác xây dựng NTM tại huyện Vân Đồn
Thứ 7, 02/07/2022 | 17:08:20 [GMT +7] A A
Ngày 2/7, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Vân Đồn. Cùng đi có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Vân Đồn cùng với 3 địa phương (Hạ Long, Bình Liêu, Ba Chẽ) sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM, góp phần cùng cả tỉnh về đích NTM. Do vậy, ngay từ những tháng đầu năm, huyện Vân Đồn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai hoàn thành những tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
Trong tổng số 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đến nay có 11/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, còn lại 1 thị trấn (thị trấn Cái Rồng) đạt chuẩn đô thị thông minh. Kết quả rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chí huyện NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021-2025 quy định tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Vân Đồn đã hoàn thành 8/9 tiêu chí và 34/36 chỉ tiêu. Chỉ có một tiêu chí 05, với 2 chỉ tiêu 5.3 và 5.4 về giáo dục chưa đạt chuẩn thuộc xã Vạn Yên đang được huyện Vân Đồn tích cực hoàn thành.
Trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tại buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức, hạn chế mà huyện Vân Đồn cần nhận diện rõ hơn. Mặc dù, Vân Đồn sở hữu nhiều tiềm năng có một không hai, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước vào Vân Đồn rất lớn, chỉ sau TP Hạ Long, có hệ thống hạ tầng giao thông từ cao tốc, cảng biển, sân bay đồng bộ, hiện đại nhưng đến nay chưa tạo được những bước phát triển đột phá.
Cùng với đó, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, kinh tế phát triển chưa tương xứng với lợi thế, nhiều dự án lớn, nhiều ý tưởng đầu tư hay nhưng việc triển khai còn chậm. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, môi trường… còn có những mặt hạn chế, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, dễ nảy sinh nguy cơ về đầu cơ, giữ đất và những vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Mối quan hệ giữa Ban Quản lý KKT Vân Đồn, UBND huyện Vân Đồn và Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long trong công tác quản lý vẫn chưa thực sự hiệu quả, tiềm ẩn những vấn đề bất cập trong quản lý các công trình giao thông ở xã, huyện sau đầu tư. Việc phát triển các sản phẩm du lịch của Vân Đồn khá chậm, chưa hình thành được hệ sinh thái du lịch, dịch vụ biển đảo chất lượng cao. Vẫn còn khoảng cách chênh lệch về đời sống nhân dân ngay trên cùng địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, huyện Vân Đồn được xác định là một mũi đột phá trong mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” của tỉnh, cùng với lợi thế rất lớn về hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại…, đang tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trước sự kỳ vọng, mong đợi của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh và nhân dân trên địa bàn, huyện Vân Đồn cần phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, cần xác định phát triển kinh tế đi liền với văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh chính trị nội bộ.
Trong năm 2022 phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM, đảm bảo bền vững, thực chất, hiệu quả theo phương châm lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể được hưởng thành quả của chương trình NTM gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về thu nhập, mức độ thụ hưởng các dịch vụ về y tế, giáo dục, môi trường, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Trong công tác quản lý nhà nước, đồng chí yêu cầu, Ban Quản lý KKT Vân Đồn, UBND huyện Vân Đồn và Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long phối hợp đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất, đặc biệt là đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất mặt nước, mặt biển của tất cả các chủ thể liên quan tới các chủ trương của tỉnh đã cho nghiên cứu lập quy hoạch hoặc đầu tư trên địa bàn huyện Vân Đồn, đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên rừng, mặt nước biển; bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép, không đúng mục đích, vi phạm pháp luật. Tuyệt đối bảo vệ tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn; coi quỹ đất có mặt nước biển và rừng ngập mặn là nguồn lực và tài nguyên quý hiếm để phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tập trung giải quyết dứt điểm những sai phạm, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất, mặt nước. Rà soát tổng thể các dự án trên địa bàn, giám sát chặt chẽ, kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật liên quan tới dự án treo, quy hoạch treo. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét theo đúng thẩm quyền.
Đồng chí lưu ý, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư sử dụng vốn ngân sách trong 10 năm qua, kể cả những dự án, công trình đã hoàn thành. Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng các hình thức đầu tư qua đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Trong bối cảnh mới Vân Đồn đã hội tụ đầy đủ hạ tầng giao thông, bao gồm sân bay, cao tốc, cảng biển…, huyện Vân Đồn cần đánh giá lại tổng thể hoạt động du lịch và đề xuất giải pháp phát triển du lịch giữa Vịnh Bái Tử Long - Vịnh Hạ Long - Vịnh Lan Hạ và chuỗi sản phẩm du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và Vân Đồn - Cô Tô. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Vân Đồn sở hữu nhiều giá trị khác biệt từ vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người; có sự kết nối liền kề trong tổng thể phát triển du lịch với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cùng với đó là điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhiệm vụ đặt ra đối với Vân Đồn trong giai đoạn tới phải thực sự bứt phá, trở thành một điểm đột phá trong phát triển của tỉnh. Trách nhiệm này của cả hệ thống chính trị, trong đó trước hết đòi hỏi phải có sự đổi mới về tư duy và tầm nhìn của chính đội ngũ cán bộ địa phương, mà ở đó mục tiêu lớn nhất là lo cho người dân, nghĩ cho dân, làm lợi cho dân để người dân được hưởng thành quả bao trùm, đúng như nghị quyết của Đảng đã xác định.
Mạnh Trường
- Bình Liêu xây dựng nông thôn mới phải thực chất và bền vững
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM
- Đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Hạ Long
- Trao hỗ trợ Bình Liêu xây dựng nông thôn mới
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành kiểm tra Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Cô Tô
Liên kết website
Ý kiến ()