Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:45 (GMT +7)
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra lập quy hoạch phân khu tại KKT Vân Đồn
Chủ nhật, 26/09/2021 | 17:58:17 [GMT +7] A A
Ngày 26/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan đã đi khảo sát Quần thể di tích quốc gia Thương cảng Vân Đồn và việc lập điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực đảo Ngọc Vừng tại Khu kinh tế Vân Đồn.
Thương cảng Vân Đồn được thành lập năm 1149 dưới thời vua Lý Anh Tông, là một trong những thương cảng ngoại dịch đầu tiên ở nước ta. Quy mô của hệ thống Thương cảng Vân Đồn một thời sầm uất đã được các nhà khảo cổ ghi nhận qua việc phát hiện nhiều bến bãi với những mảnh vỡ đồ gốm, sành, sứ.
Trung tâm của di tích Thương cảng Vân Đồn gồm nhiều bến thuyền cổ, phạm vi 200km2 trong vùng Vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng. Vùng Cống Đông - Cống Tây của xã Thắng Lợi ngày nay là trung tâm một thời của Thương cảng Vân Đồn.
Giá trị lịch sử, văn hoá của Thương cảng Vân Đồn và tầm ảnh hưởng của nó đến lịch sử Quảng Ninh nói riêng, đất nước nói chung đã được nhiều nhà khoa học khẳng định ở 2 phương diện là trung tâm giao thương quốc tế và là vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia vùng biển Đông Bắc. Với những giá trị to lớn đó, bến Cống Đông - Cống Tây (xã Thắng Lợi) và bến Cái Làng (xã Quan Lạn) thuộc các bến thuyền cổ Thương cảng Vân Đồn đã được cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ năm 2003.
Để tiếp tục nâng cấp, phát huy giá trị của di tích, đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn.
Qua đi khảo sát, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh, việc đệ trình Chính phủ xem xét xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn là việc làm cần thiết, nhằm tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử của di tích, tương xứng với các giá trị vốn có, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, các nhà khoa học. Đồng thời cũng là nơi để giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ và là sản phẩm văn hóa để phát triển du lịch, tạo bản sắc khác biệt, riêng có tại Khu kinh tế Vân Đồn.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao cùng đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề án công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Thương cảng Vân Đồn để trình Chính phủ trong năm 2021. Trong đó lưu ý cần xác định rõ những hạng mục Nhà nước cần đầu tư, những hạng mục có thể kêu gọi xã hội hóa để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn.
Trong ngày, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cũng đã đi kiểm tra công tác lập quy hoạch phân khu đảo Vạn Cảnh và điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực đảo Ngọc Vừng. Định hướng phát triển đảo Vạn Cảnh và đảo Ngọc Vừng thuộc Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, phát triển trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, có bố trí các công trình dịch vụ, sử dụng chung cho người dân và du khách.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn sớm hoàn thiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảo Vạn Cảnh và đảo Ngọc Vừng để trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 10/2021. Riêng đối với điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực đảo Ngọc Vừng phải đảm bảo mục tiêu đến tháng 11/2021 có thể triển khai đấu thầu hoặc đấu giá phân khu B1 trên đảo, là cơ sở để triển khai đầu tư các dự án trong năm 2022.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()