Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:47 (GMT +7)
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho mặt hàng sứa
Thứ 6, 02/12/2022 | 07:11:21 [GMT +7] A A
Cử tri huyện Cô Tô kiến nghị: Hiện nay nhân dân trên địa bàn huyện đầu tư chế biến sứa biển, tuy nhiên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn là xuất bán ra nước ngoài vì sứa biển không nằm trong danh mục hàng hóa nhập khẩu của phía Trung Quốc.
Liên quan đến nội dung này, Sở Công Thương trả lời như sau: Trung Quốc là thị trường lớn nhập khẩu hàng hoá của của Việt Nam nói chung và các sản phẩm nông lâm thủy sản nói riêng. Từ cuối năm 2018 phía Trung Quốc thực hiện siết chặt chính sách biên mậu, nhất là việc thực hiện các hàng rào phi thuế nhằm kiểm duyệt nghiêm ngặt chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và quy chuẩn bao gói nhãn mác; quản lý và truy xuất hồ sơ doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; từng bước chính ngạch hóa với các điều kiện nhập khẩu, các sản phẩm nhập khẩu phải thuộc danh mục sản phẩm được Trung Quốc cho phép nhập khẩu.
Ngày 17/6/2019, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) có thông báo điều chỉnh danh mục mặt hàng thủy sản Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc (danh mục 128 mặt hàng từ tháng 11/2018, đến 15/6/2019 điều chỉnh giảm xuống còn 120 mặt hàng và từ 21/6/2019 lại tăng thêm 17 mặt hàng thủy sản nâng tổng số mặt hàng trong danh mục thủy sản Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc là 137 mặt hàng), đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt phương thức bảo quản hàng hóa. Một số sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa nằm trong danh mục xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, như: tôm chân trắng ướp đá, sứa ướp muối không thể nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Từ những tình hình thực tế trên, để đáp ứng các yêu cầu đặc thù của thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương chủ trì cùng các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh: (1) có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phía Trung Quốc bổ sung thêm 3 sản phẩm thủy sản được phép nhập khẩu vào Trung Quốc gồm: Sứa ướp muối, ngao giá (ngao hai cùi) và rươi (văn bản số 4419/UBND-NLN1 ngày 26/9/2019); (2) có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc (văn bản số 4658/UBND-TM1 ngày 03/7/2019); (3) có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (văn bản số 6986/UBND-NLN1 ngày 13/10/2020); (4) có Công hàm gửi Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc (công hàm số 10 ngày 10/7/2020) đề nghị phía Trung Quốc bổ sung danh mục mặt hàng thủy sản được phép nhập khẩu qua cặp chợ Đông Hưng bao gồm: sứa ướp muối, nghêu hai cùi (ngao hai cùi), hàu, rươi.
Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ của mình đã chủ động bám sát Bộ chủ quản để đề xuất, báo cáo một số nội dung cụ thể như: (1) Đề xuất nội dung cho cuộc điện đàm ngày (12/3/2020) giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bí thư tỉnh Quảng Tây trong đó có nội dung đề nghị phía Trung Quốc bổ sung danh mục hàng thuỷ sản (hàu, sứa, ngao hai cùi...), danh mục hoa quả của Việt Nam được trao đổi mua bán qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. (2) đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (văn bản 2729/SNN&PTNT-QLCL ngày 19/7/2019) đề nghị cơ quan thẩm quyền phía Trung Quốc tiếp tục cho phép nhập khẩu chính ngạch theo chính sách hàng hóa giao dịch biên mậu qua cặp chợ biên giới Việt - Trung đối với 30 sản phẩm thủy sản của Việt Nam có sản lượng lớn, sản phẩm đã có tiền lệ giao dịch giữa cư dân biên giới hai nước (trong đó có mặt hàng sứa, ngao 2 cùi, hàu... của tỉnh Quảng Ninh); (3) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc: như xuất chính ngạch với sản phẩm sứa ướp muối (văn bản 2950/BC-SNN&PTNT ngày 15/7/2020); (4) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc bổ sung sản phẩm sứa muối vào danh mục sản phẩm được phép nhập khẩu chính ngạch và biên mậu (văn bản số 2805/SNN&PTNN-QLCL ngày 30/6/2020).
Ngày 30/8/2021, Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 1133/QLCL-CL1 trả lời kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh về nội dung sản phẩm sứa muối chưa có trong danh mục sản phẩm được phép nhập khẩu chính ngạch và biên mậu vào Trung Quốc: Cục quản lý chất lương Nông lâm sản và Thủy sản trả lời đã có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc xem xét, bổ sung sản phẩm này vào danh mục được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa có ý kiến phản hồi, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với phía Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao phù hợp.
Để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho mặt hàng nông sản, thủy sản hải sản nói chung, mặt hàng sứa nói riêng ra các thị trường khác, Sở Công Thương đã kết nối với các tham tán thương mại, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm chia sẻ thông tin về các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Quảng Ninh đang cần tiêu thụ trong đó có mặt hàng sứa. Đồng thời có 5 văn bản gửi các ngành, địa phương doanh nghiệp để giới thiệu và cung cấp thông tin doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ra thị trường nước ngoài. Kết quả trong năm 2021 đã giới thiệu 21 doanh nghiệp với các mặt hàng, sản phẩm; trong đó, riêng sản phẩm thủy hải sản là 6 sản phẩm (gồm: tôm, cá, mực, sò, hàu, ngao) đến các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài.
Ngoài ra, riêng đối với mặt hàng sứa, Sở Công Thương đã 2 lần có văn bản gửi UBND huyện Cô Tô đề nghị phối hợp cung cấp thông tin chi tiết về sản lượng, cơ sở sản xuất, chế biến sứa biển để cung cấp thông tin về mặt hàng sứa biển cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, qua đó tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới cho mặt hàng sứa, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến, xuất bán sứa biển và các thành phẩm sứa biển, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Tuy nhiên để xuất khẩu mặt hàng trên ra thị trường nước ngoài các doanh nghiệp, hộ dân cần phải tuân thủ đúng các quy định của nước nhập khẩu cụ thể như: đăng ký cơ sở sản xuất, vùng đánh bắt hoặc nuôi trồng; đăng ký doanh nghiệp Việt Nam được phía Trung Quốc chấp thuận và cấp mã cho phép nhập khẩu thuỷ sản; thực hiện ghi chép, lưu giữ đầy đủ các sổ sách, hồ sơ liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy cách bao gói, nhãn mác hàng hóa; giấy đủ điều kiện ATTP của cả Việt Nam và nước nhập khẩu.
Đặng Dung (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()