Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:58 (GMT +7)
Tìm hiểu bài thơ chữ nôm khắc ở núi Con Mèo
Chủ nhật, 11/12/2022 | 07:49:43 [GMT +7] A A
Nơi ngã ba của các dòng sông Kinh Thầy, sông Đá Bạch và sông Đá Vách tụ lại tại xã Yên Đức (TX Đông Triều) có một núi đá vôi với tên gọi là Ngọa Miêu Sơn (núi mèo nằm). Núi Ngọa Miêu Sơn nằm giữa núi Đống Thóc (sự phồn thịnh) và núi Con Chuột (phá thóc), cùng với núi Thung (cối giã gạo) và núi Canh (cái cày) tạo nên Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 1993.
Người dân địa phương gọi đó là núi Con Mèo, hiện chỉ còn duy nhất vòm hang núi, thân đầu con mèo đã bị tàn phá. Hang núi quay ra mép sông, trong vòm hang núi, khi đi vào cửa hang, nhìn theo hướng tay trái, trên cao có 3 văn bia hình chữ nhật, đều khắc lên vách đá núi. Có 2 văn bia chữ nôm từ nhiều năm nay được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Theo lý lịch Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức do Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh lập tháng 6/1993 ghi: “…Trong vòm hang có một số bài thơ chữ nôm, chữ hán, chữ quốc ngữ. Trong đó bài thơ chữ nôm nổi tiếng mang dòng lạc khoản “Nhân tôn Hoàng đế, Trùng Hưng bát niên xuân”. Nội dung bài thơ toát lên khí phách của một con người đại diện cho dân tộc đứng trên cao, với tầm nhìn bao quát, cảnh giác mọi kẻ thù, ca ngợi cảnh đẹp, bảo vệ sự an bình thịnh vượng, sự trường tồn của non sông đất nước. Bên cạnh bài thơ chữ nôm còn bài thơ nữa bái họa của Chánh tổng Phan Văn Khang, chí sĩ Trần Văn Đại khắc niên hiệu Bảo Đại thập nhị niên (1937) và lời khuyên hãy bảo vệ di sản văn hóa, một danh sơn đất Việt của Công sứ Quảng Yên Massimi và toàn quyền Đông Dương Renérobin vào những năm 1940 khi đến nơi đây”.
Bài thơ khắc bằng chữ nôm có diềm, khổ 80x45cm trên vách đá hang núi Con Mèo ở xã Yên Đức được bao đời dân làng gìn giữ, truyền miệng cho con cháu để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa. Năm 1995, xã Yên Đức xuất bản tập thơ “Núi Canh”. Bài thơ đã được in trang trọng trong tập thơ này. Nội dung bài thơ như sau: “Đứng thốc bên sông một đọi đèo/ Vặn mình coi thể dáng con mèo/ Đá xương, đất thịt, da xanh ngắt/ Cỏ vện, hoa vằn, dạ mốc meo/ Cáo thỏ kinh hơi rừng vắng ngắt/ Kình nghê tăm biệt, nước trong veo/ Xanh rì vũ trụ chân ngoèo vững/ Ắt hẳn ngàn năm kín chẳng nghèo”.
Bài thơ được khắc tại vị trí cao mà trang trọng nhất trong số 3 văn bia hình chữ nhật trên vách đá hang núi. Tôi còn nhớ vào năm 1991, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã đến nghiên cứu các văn bia khắc trên vách đá trong hang núi Con Mèo. Ông đã xác định đây là một trong những di sản Hán Nôm có giá trị ở Quảng Ninh. Bởi đây là một tác phẩm thành văn được ghi trên đá, do tính chất quan trọng và có ảnh hưởng lớn mang tính lịch sử nên được các bậc tiền nhân chăm chút nhiều về mặt mỹ thuật.
Ngay từ khi nghiên cứu lập lý lịch Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) từ ngày đó đã khẳng định: Cụm di tích còn có nhiều những giá trị nghiên cứu, đó chính là những văn bia ma nhai mà mọi người vẫn truyền nhau là “mài sườn núi viết bia”.
Cũng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì bài thơ trong hang núi Con Mèo ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng cảnh đẹp đó mang tâm tưởng của một người yêu Tổ quốc, yêu cái đẹp, ghét cái ác. Chính vì thế, các nhà khoa học, khảo cổ học đã phải tiếp tục tập trung giải mã những văn bia ma nhai ở xã Yên Đức trong 30 năm qua với mục tiêu tìm ra tác giả bài thơ bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau.
Tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ghi: Hai văn bia chữ nôm khắc trong vòm hang núi Con Mèo xã Yên Đức là bài thơ vô đề, có lạc khoản, bài thơ có tám câu, mỗi câu có bẩy chữ. Tấm bia dài rộng nhất, tại vị trí cao mà trang trọng nhất, trán bia trạm khắc đôi rồng chầu mặt trời, xung quanh mây nổi, lòng bia khắc bài thơ chữ nôm, dòng lạc khoản bên phải ghi “Trần triều Nhân Tôn Hoàng đế ngự đề” (Hoàng đế Nhân Tôn triều Trần đề thơ), dòng lạc khoản bên trái ghi “Trùng Hưng bát niên xuân” (Mùa xuân năm Trùng Hưng thứ 8-1292). Kết quả nghiên cứu, các học giả cho là thơ ngự đề của Phật hoàng Trần Nhân Tông viết bằng chữ nôm cổ, được tạc vào vách đá từ thời Trần, chưa rõ năm nào.
Gần 20 năm về trước, tôi đã từng vào hang núi Con Mèo để chụp ảnh bài thơ khắc trên vách đá. Khi vào đó, anh em trong xã đã phải giúp vác theo chiếc thang tre nhỏ, bắc vào tảng đá lớn phía dưới bài thơ để tôi trèo thang lên đứng trên tảng đá lớn đó chụp ảnh bài thơ. Trải qua thời gian, bài thơ chữ nôm cổ bị phong hóa cùng với tác động của con người trực tiếp trên văn bia, các dòng chữ đã mờ đi. Anh em ở xã Yên Đức cũng chỉ rõ cho tôi, văn bia to ở cao nhất, có khắc đôi rồng chầu và vân mây nổi chính là văn bia cổ được nhân dân gọi là bài thơ vịnh núi Con Mèo của vua Trần. Thơ của vua thì mới được khắc trong khung rồng, còn văn bia kia ở thấp hơn là thơ của vị quan, nên chỉ khắc chữ đơn giản vào vách đá. Bài thơ của vua được anh cán bộ xã ngày ấy giới thiệu bốn câu đầu bài thơ tả cảnh đẹp, với một cảnh đẹp thiên nhiên là lạ, ngọn núi nổi giữa dòng sông, tạo dáng một con mèo khổng lồ, mạnh mẽ. Đây là cái nhìn mang cảm hứng anh hùng ca của một ông vua vừa kinh qua trận mạc. Hai câu tiếp thể hiện độc đáo cái tĩnh lặng của rừng, cái trong veo của nước. Đây là cái đẹp áp đảo thú dữ, áp đảo cái ác, áp đảo kẻ thù. Hình ảnh thơ trong hai câu cuối thật khoẻ, lớn lao, mang tầm vóc vũ trụ và lịch sử, hình ảnh núi như chứa cả trí lớn của con người, mà chỉ một thi nhân. Anh kể tiếp, từ ngày còn trẻ đã được các cụ trong làng kể, bài thơ do người đời sau chạm khắc. Để tỏ lòng tôn kính hoàng đế Nhân Tôn nên trên bia không có tên người viết chữ, khắc bia không có niên đại tạc bia. Thế mới thấy được người dân Yên Đức rất tự hào, quan tâm trao truyền cho con cháu các di sản chữ nôm cổ mà quê hương được lưu giữ để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản đó phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa.
Bản dịch mới nhất bài thơ chữ nôm trong cuốn Di sản Hán Nôm Đông Triều xuất bản năm 2018 là: “Đứng thốc bên sông một đổi đào/ Vặn mình coi thể giáng con mèo/ Đá xương đất thịt da xanh ngặt/ Cỏ vệ hoa vằn da mốc meo/ Cáo thỏ kinh hơi rồng vắng ngắt/ Kình nghe tăm bặt nước trong veo/ Chống ghì vũ trụ chân nèo vững/ Ắt hẳn nghìn năm kín chẳng nghèo”.
Cùng với bài thơ của vua, bài thơ chữ nôm ở bên cạnh của vị quan được khắc chữ đơn giản vào vách đá, nét chữ rõ hơn. Bài thơ đã được các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác định, văn bia có bốn dòng lạc khoản ở bên trái ghi rõ: “Bảo Đại thập nhị niên quý đông. Hải Dương tỉnh, Tứ Kỳ phủ, Vĩnh An tổng, Quảng Xuyên xã, thưởng thụ ngũ hạng Bắc Đẩu Bội Tinh Tuần phủ chí sĩ Trần Văn Đại bái hoạ” (dịch: Cuối mùa Đông năm Bảo Đại thứ 12 (12-1937). Quan Tuần phủ đã nghỉ hưu được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh hạng năm, người xã Quảng Xuyên, tổng Vĩnh An, phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là Trần Văn Đại bái hoạ).
Phiên âm bài thơ: "Dạo cảnh Đồn Sơn hỏi ngọn đèo /Vì sao mà gọi núi Con Mèo /Khen ai khéo tạc hình vằn vặn/ Ắt chẳng ngoa truyền tiếng mẹo meo/ Đè dẹp tăm kình ngồi chót vót/ Lấp yên hang cáo đứng cheo veo/ Còn trời còn nước còn non đó/ Phên dậu trời Nam lúc hiểm nghèo”.
Những văn bia chữ nôm cổ trong vòm hang núi Con Mèo đang được lưu giữ, bảo tồn đều là hai nguồn tư liệu quý giúp bạn đọc ngày nay tìm hiểu về chữ nôm cổ trong kho tàng văn học nước nhà của tiền nhân để lại cho hậu thế tại Yên Đức, vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa, giàu truyền thống cách mạng và là một miền đất thấm đẫm chất thi ca.
Xuân Quảng
Liên kết website
Ý kiến ()