Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:12 (GMT +7)
Tìm giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam
Thứ 5, 25/08/2022 | 08:04:58 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia du lịch, sau khi dịch Covid-19 được khống chế tốt, thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn ít. Để phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch như khi chưa có dịch bệnh, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam ngoài việc tháo gỡ “nút thắt” từ visa, cơ sở hạ tầng, còn phải bổ sung thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cũng như nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành đã phục vụ gần 72 triệu lượt khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt).
Trong khi du lịch nội địa đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, thì du lịch quốc tế vẫn tăng trưởng chậm. Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 7/2022, Việt Nam đón gần một triệu lượt khách quốc tế, đạt 20% trong mục tiêu đón năm triệu khách quốc tế trong năm nay. Lượng khách quốc tế đang trên đà phục hồi sau gần hai năm du lịch Việt Nam “đóng băng”, nhưng tốc độ phục hồi được đánh giá vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những địa phương có lượng khách quốc tế đến tham quan du lịch khá sớm và lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, nhưng số lượng khách quốc tế tới du lịch vẫn còn rất ít so với trước dịch Covid-19.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Võ Anh Tài cho biết, thị trường du lịch nội địa bùng nổ, phát triển mạnh mẽ, cho nên đã giúp ngành du lịch vượt qua giai đoạn rất khó khăn sau đại dịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, có tới 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế nhưng có rất ít khách.
Lý giải nguyên nhân lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua còn hạn chế, các chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, ngành du lịch nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, như áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn nhân lực trong ngành du lịch gần như đứt gãy hoàn toàn, lao động trong ngành không chỉ thiếu mà còn suy giảm mạnh về chất lượng. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam cũng chưa thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác.
Báo cáo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã được triển khai nhưng tính chất cạnh tranh chưa cao. Thời gian miễn thị thực theo Luật Xuất, nhập cảnh hiện nay là 15 ngày, chưa phù hợp nhu cầu lưu trú dài ngày từ ba đến bốn tuần của du khách quốc tế tới từ các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…
Cùng quan điểm về vấn đề này, Giám đốc sản phẩm của Vidotour Indochina Travel Nguyễn Thiên Phúc cho biết, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang rất cần chính sách visa cởi mở hơn, tháo gỡ được các điểm nghẽn trong cấp visa, nhất là đẩy nhanh, đẩy mạnh việc cấp e-visa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách phòng, chống dịch, mở cửa du lịch của các nước khác nhau cũng ảnh hưởng đến số lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% số khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn đang siết chặt phòng, chống dịch. Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế trước đó và luôn đưa ra những chính sách thu hút du khách quốc tế khá tốt.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để khôi phục và phát triển ngành du lịch bền vững, mạnh mẽ trong thời gian tới, cần hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Thủ tướng trong tháng 11/2022; thực hiện các chiến dịch truyền thông có định hướng, kích cầu du lịch mang tính đồng bộ. Ngoài ra, Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất, nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực với các nước EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ và cấp visa điện tử; mở rộng kết nối hàng không, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng.
Nhằm đạt được mục tiêu đón năm triệu du khách quốc tế trong năm nay, Tổng cục Du lịch định hướng kết nối lại tất cả các thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài và có đường bay thuận tiện đến Việt Nam, như: châu Âu, Mỹ, Australia và thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ. Tổng cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá chương trình “Live fully in Việt Nam”, tập trung trên các ứng dụng số nhằm tới thị trường khách quốc tế mục tiêu.
Hiện Tổng cục Du lịch cùng Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp các doanh nghiệp, hãng hàng không và các điểm đến đã lên kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường như khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu… Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản từ ngày 22 đến ngày 25/9, Hội chợ Du lịch thế giới WTM tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len từ ngày 7 đến 9/11 và các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()