Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:21 (GMT +7)
Tìm giải pháp để Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên sống động
Thứ 2, 27/09/2021 | 08:49:01 [GMT +7] A A
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích quan trọng bậc nhất của Hà Nội. Nhưng thực tế, người dân Hà Nội thường chỉ đến để lễ bái, còn khách du lịch nơi xa thì chỉ đến một lần. Đó là lý do Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tìm giải pháp để di tích trở nên sống động.
Sáng 26/9, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Dự án phi lợi nhuận về văn hóa và giáo dục Gavisto Diplomat tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt”.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một di tích quốc gia đặc biệt, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi hun đúc giá trị đạo học của nước ta qua nhiều thế kỷ. Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là một trong những quần thể di tích hiếm hoi được bảo tồn một cách đồng bộ không gian di tích, các hạng mục từ xa xưa để lại. Nổi bật trong số đó phải kể đến hệ thống bia Tiến sĩ, Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các… Giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì đã rõ.
Nhưng làm thế nào để thu hút cộng đồng, để người dân không chỉ đến tham quan với tư cách khách du lịch rồi ra về, để biến nơi đây thành một không gian văn hóa sinh động, qua đó truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, của đạo học Việt Nam không phải là vấn đề đơn giản.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Trong thời gian giãn cách, Văn Miếu không thể đón khách. Đường đi mọc rêu. Không có khách nên người lao động cũng khó có nguồn thu. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là quãng thời gian lắng lại, nghiên cứu lại giá trị, xây dựng sản phẩm để sau phục vụ du khách. Chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để đổi mới hoạt động.
Nói về làm mới, đầu tiên phải giữ nguyên tắc những gì thuộc về truyền thống thì phải giữ gìn; những cái gì nhận diện chưa đúng thì phải nhận thức lại, thí dụ như việc sờ đầu rùa, lễ bia hạ mã... Làm mới, tức là tìm cách đưa giá trị di sản vật thể, giá trị phi vật thể đó đến gần hơn những người tham quan, để hiểu hơn, ứng xử với di tích bằng những biện pháp mới mẻ”.
Trong buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp để Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể trở thành một không gian văn hóa sống động. Theo ông Trương Quốc Toàn, dịch bệnh Covid-19 làm mọi người thay đổi nhu cầu. Chẳng hạn như xu hướng cá nhân hóa tham quan di tích. Khách không đi theo đoàn lớn mà đi theo nhóm nhỏ. Xu hướng tiếp theo là số hóa. Chính vì thế, các điểm tham quan, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần thay đổi, chuyển mình cho phù hợp.
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp các cơ quan ra mắt Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám. Dự án hướng đến mục tiêu đưa di tích trở thành không gian mở, nơi sinh hoạt chung của nhiều ý tưởng yêu di sản. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, dự án đã thu hút 1.500 người tham gia trên mạng xã hội. Các thông tin đăng tải về lịch sử, văn hóa, đạo học, truyền thống khoa bảng… nhận được rất nhiều tương tác. Đây chính là một trong những tìm tòi của Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám để Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến gần hơn với công chúng.
Ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ số hóa toàn bộ di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng, với các sinh hoạt định kỳ hằng tuần, hằng tháng; đẩy mạnh liên kết với các điểm di tích khác; ứng dụng rộng rãi công nghệ để giới thiệu di tích… Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho rằng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã làm được một số việc, nhưng vẫn rất cần sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có thể trở nên sống động hơn nữa.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()