Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 09:10 (GMT +7)
Tìm đường mới cho xuất khẩu
Thứ 5, 04/05/2023 | 17:46:13 [GMT +7] A A
Kết thúc quý I.2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải Dương giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Dự đoán thời gian tới, xuất nhập khẩu của tỉnh còn gian truân, buộc doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi cục diện.
Xác định thách thức
Trong các nhóm hàng xuất khẩu của Hải Dương, 3 nhóm hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu là: may mặc; da giày; thiết bị điện, điện tử. Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương, trị giá xuất khẩu 3 nhóm hàng này tháng 1.2023 giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 2 đảo chiều tăng 9,2%, nhưng nguyên nhân tăng do tháng 2.2022 trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tháng 3 lại sụt giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), bộ phận theo dõi trực tiếp xuất nhập khẩu của sở này, dù quý I năm nay nông sản của tỉnh đã có kết quả tích cực khi xuất khẩu cà rốt, song hơn 92% kim ngạch xuất khẩu từ các doanh nghiệp có hoạt động gia công. Khi hoạt động này gặp khó sẽ ảnh hưởng nặng tới xuất khẩu của tỉnh.
“Bản chất các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp dệt may, da giày, thiết bị điện tử ở Hải Dương là gia công theo đơn hàng từ công ty mẹ ở nước ngoài chuyển sang. Thị trường trên đà giảm từ quý IV.2022 cho đến nay khiến các công ty mẹ thiếu đơn hàng. Các công ty con ở tỉnh vì thế không được phân bổ đơn hàng mới, dẫn đến sụt giảm sản lượng, trị giá xuất khẩu”, ông Quang cho biết.
Nguyên nhân chính của tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu là sự sụt giảm sức mua toàn cầu. Cùng chung nhận định này, ông Đinh Xuân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương cho rằng điều này là hệ lụy từ xung đột kéo dài Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt, nhất là tình trạng lạm phát do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất từ cuối năm 2022.
“Các quốc gia phát triển như Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều là đối tác xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Hải Dương. Song đây cũng là những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động kinh tế thế giới. Người dân những quốc gia này thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu giảm. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng”, ông Vinh phân tích.
Xuất khẩu sụt giảm cũng kéo theo sự sụt giảm về nhập khẩu bởi hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào.
Theo nhận định từ cả Sở Công thương và Chi cục Hải quan Hải Dương, khó khăn còn tiếp diễn trong cả năm 2023. “Chúng tôi chưa tìm thấy tín hiệu khả quan nào cho xuất nhập khẩu. Trừ khi tình hình kinh tế toàn cầu ổn định trở lại, Fed kìm đà tăng lãi suất, lạm phát được kìm chế. Tuy nhiên, kể cả như vậy thì nhu cầu thị trường cũng cần một vài tháng để hồi phục”, ông Vinh cho biết thêm.
Xoay chuyển thích nghi
Là doanh nghiệp sản xuất ổ cắm điện, thiết bị quản lý nguồn điện xuất khẩu 100% tới thị trường Mỹ, Công ty TNHH Công nghệ Sheng Shing (Việt Nam-Hải Dương) tại khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền đang hướng tới củng cố thương hiệu sản xuất xanh. Hết quý I.2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ đạt 8,5 triệu USD, giảm gần một nửa so với quý IV.2022. Như đã phân tích, Mỹ là thị trường sụt giảm sức mua có thể nói lớn nhất toàn cầu thời gian qua. Thiếu đơn hàng khiến doanh nghiệp này có thời điểm phải cắt giảm gần 50% số lao động.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu công ty này, biến động kinh tế toàn cầu là điều doanh nghiệp khó có thể xoay chuyển. “Khi không thể xoay chuyển thì phải thích ứng. Chúng tôi đang tập trung tối đa để cải tiến công nghệ, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu theo quy định an toàn trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng cam kết với đối tác về giảm lượng khí thải carbon cũng như các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Tiêu chuẩn sản xuất xanh sẽ giúp chúng tôi cải thiện trị giá xuất khẩu tới Mỹ, cũng như thâm nhập thị trường mới, nhất là tại nhiều quốc gia khó tính ở châu Âu thời gian tới”, ông Hưng nói.
Doanh nghiệp này cũng tận dụng tối đa lợi thế từ các nền tảng trò chuyện trực tuyến. Bằng việc thiết lập các kênh giao tiếp online với đối tác, ban lãnh đạo, đội ngũ kĩ sư, chuyên viên thị trường, xuất nhập khẩu sẽ khai thác tối đa nhu cầu thị trường. Đây cũng là giải pháp được rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Hải Dương thực hiện.
Gia tăng tối đa hàm lượng công nghệ trong quy trình sản xuất là hướng đi Công ty TNHH Nhôm Đông Á ở cụm công nghiệp Tân Dân (Chí Linh) đang áp dụng. Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Gái, Trưởng Phòng Khai báo hải quan công ty này, khó khăn của kinh tế thế giới kéo giảm trị giá xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 của công ty xuống mức trung bình 8% so với nửa cuối năm 2022. “Tuy nhiên, với việc mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy, chúng tôi đã đầu tư lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất tự động thông minh, được nhiều đối tác đánh giá là tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp. 20 dây chuyền sản xuất đùn ép công suất lớn nhờ đó được tối ưu, giúp chúng tôi duy trì tốt chỗ đứng tại những thị trường xuất khẩu hiện tại”, bà Gái nói.
Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước đang là giải pháp cải thiện tăng trưởng. Qua đó giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lực, từng bước tìm kiếm đối tác xuất nhập khẩu mới.
Nói về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, AKAFTA… không ít ý kiến cho rằng những hiệp định này dù tiềm năng song không thể tránh khỏi quy luật cung cầu của kinh tế. Những hiệp định này chỉ phát huy hiệu quả khi giải được bài toán để tăng lượng cầu. Ngoài việc chủ động trong chiến lược xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên “mở đường” vào một số quốc gia đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc hoặc một số quốc gia có sức mua tốt như Australia, Trung Đông.
Theo Báo Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()