Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 17:37 (GMT +7)
Tìm các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động
Thứ 4, 20/04/2022 | 22:10:29 [GMT +7] A A
Trong quý 1/2022 có xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực với khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.
Chiều 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về tình hình lao động việc làm và các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Kịp thời hỗ trợ người lao động
Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân thiếu hụt lao động thời gian qua.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 100% công suất nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nhiều lao động giản đơn.
Hơn nữa, nhu cầu chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng đơn hàng đang tăng lên khiến tình trạng thiếu lao động càng rõ rệt.
Cùng với đó, trong khoảng 6 tuần gần đây, tỷ lệ người mắc COVID-19 tăng cao trong một khoảng thời gian ngắn, nhiều lao động bị mắc hoặc phải nghỉ chăm sóc người thân mắc COVID-19 đã dẫn đến có thời điểm thiếu lao động. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh ổn định, số lao động quay trở lại làm việc tăng lên, góp phần giảm căng thẳng thiếu hụt lao động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Liên quan đến công tác đào tạo nghề, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh hiện chất lượng học viên vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ lao động do các trường nghề đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu sử dụng ngay, không cần đào tạo lại là rất thấp.
“Trong khi đó, việc kết nối cung cầu thị trường lao động trên quy mô liên tỉnh, liên vùng còn yếu,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Đối với việc cải thiện thu nhập cho người lao động, đại diện các bộ, ngành cho rằng đây là một trong những lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam. Vừa qua, việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu từ 180.000-260.000 đồng/người/tháng theo từng vùng (tăng bình quân 6%) so với hiện hành, là hợp lý, giúp cải thiện mức sống của người thu nhập thấp, đặc biệt là khối lao động giản đơn, từ đó, bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như các doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, trước mắt cần thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về mức lương tối thiểu; chủ trì, phối hợp với các địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người lao động thuê, mua nhà ở xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý các khu công nghiệp, trong đó lưu ý các chính sách cụ thể về nhà ở, hỗ trợ công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở, các thiết chế phục vụ công nhân.
Về lâu dài, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư theo hướng tránh tình trạng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chỉ dồn vào một số khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, căn cứ định hướng thu hút đầu tư để phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp mở các ngành nghề mới theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, có bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đào tạo nghề nông thôn; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền tảng kết nối thị trường lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp thu các ý kiến trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó lưu ý các chế độ, chính sách thiết thực khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội lâu dài, tránh tình trạng do các khó khăn trước mắt, ngắn hạn mà phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thị trường lao động dần phục hồi nhưng chưa bền vững
Trước đó, theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã tạo động lực cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong quý 1/2022, đồng thời tác động tích cực đến lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp.
Quý 1/2022, dịch COVID-19 vẫn tác động tiêu cực tới hơn 16,9 triệu người (từ 15 tuổi trở lên), nhưng giảm 7,8 triệu lao động so với quý 4/2021. Số lao động bị mất việc làm hiện còn 0,9 triệu người, chiếm 1,2% tổng số lao động.
Thị trường lao động những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, dần quay trở lại xu hướng phát triển như: số người từ 15 tuổi trở lên quay trở lại thị trường lao động ngày càng; xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại với chiều hướng phát triển tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp và tăng lao động trong ngành dịch vụ, thương mại.
Cùng với đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, tăng nhiều so với quý 4/2021 và cùng kỳ năm trước; số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần…
Về nhu cầu tuyển dụng lao động và tình hình thiếu hụt lao động, theo báo cáo nhanh của các địa phương, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2019, 2020. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).
Đáng chú ý, trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và thiếu hụt ở một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Một số nguyên nhân chính thiếu hụt lao động như nhiều lao động chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc, chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, người lao động chưa được đào tạo để đáp ứng tiêu chí mới của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số.
Các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng cao, trong khi lương của người lao động thấp; công tác thông tin, kết nối cung-cầu lao động, dự báo tình hình thị trường lao động còn hạn chế…
Dự báo trong năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; tổ chức kết nối cung-cầu lao động…/.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()