Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:05 (GMT +7)
Tìm bạn cho trẻ tăng động
Thứ 3, 11/05/2021 | 09:21:04 [GMT +7] A A
Việc những đứa trẻ tăng động có thể kết bạn và duy trì được một mối quan hệ đó bền vững không hề dễ dàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT |
Bởi trẻ thường hung hăng, hay cáu gắt và dễ làm người xung quanh bị tổn thương. Vậy, cha mẹ cần làm gì để trẻ tăng động có bạn?
“Chiếc máy” không quan tâm đến người khác
Chị Vân Tống (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, cậu con trai 10 tuổi của chị hiếu động và rất nghịch ngợm. Cháu hay cáu gắt và khi chơi hay làm đau bạn chơi cùng. Vì vậy, cho con đi chơi bất kỳ đâu chị cũng phải canh chừng con mình cẩn thận. Tuy vậy, lần nào đi chơi về chị Vân Tống cũng phải xin lỗi mọi người vì con gây chuyện. May mắn là mọi người đều hiểu nên rất thông cảm.
Theo Chuyên gia tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng (Công ty Phát triển tâm lý, giáo dục và truyền thông ứng dụng Việt Nam) con trai chị Vân Tống bị tăng động.
Những trẻ mắc chứng bệnh này có tính cách khá bốc đồng và thường thích làm theo ý mình. Trẻ không thể ngồi yên một chỗ, không để ý đến những người xung quanh. Trẻ cũng rất khó khăn trong việc chờ đợi tới lượt mình, thường chen ngang, nói nhiều và không để ý đến biểu lộ cảm xúc của người khác.
Khi đến trường, trẻ thường bị bạn bè ghét bỏ, bị coi là chống đối, khó dạy, thậm chí còn khép vào loại học sinh cá biệt. Đây chính là lý do khiến trẻ tăng động dễ bị cô lập, xa lánh và cực kỳ khó kết bạn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 6 triệu chứng tăng động thường gặp ở trẻ, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, với tỉ lệ mắc khoảng 3,5 - 18,7% trẻ em ở độ tuổi đi học, biểu hiện thường xuyên xảy ra ít nhất 2 môi trường sinh hoạt khác nhau như nhà trường, trong gia đình, giao tiếp ngoài xã hội. Bé trai có tỉ lệ mắc tăng động cao gấp 3 lần so với bé gái và độ tuổi mắc bệnh là vào khoảng 8 - 11 tuổi.
PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh – Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết: Trong cơ thể trẻ tăng động dường như có một “chiếc máy hoạt động” không nghỉ khiến trẻ không thể ngồi im.
Chứng tăng động ở trẻ có thể biểu hiện bằng việc chạy nhảy liên tục không ngơi nghỉ dù ở bất kỳ điều kiện, không gian nào. Trẻ thường không có khả năng nhận biết được nhu cầu, mong muốn của người khác; có thể cắt ngang lời khi người khác đang nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt của mình trong hoạt động ở lớp hoặc khi chơi cùng bạn.
Trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc, có thể bùng phát các cơn thịnh nộ ở những thời điểm không phù hợp, chính vì vậy trẻ có xu hướng bạo lực dễ làm đau bạn chơi cùng.
“Những đặc điểm này là rào cản lớn khi trẻ tiếp xúc với mọi người bởi chúng khó gây thiện cảm. Cha mẹ cần lưu ý nhận biết sớm những biểu hiện ở con để đồng hành, hỗ trợ con tháo gỡ những khó khăn trong giao tiếp”, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh nói.
Giúp con “chuyển hoá năng lượng”
Chia sẻ quá trình đồng hành cùng con, chị Vân Tống cho biết thường cho con tham gia các môn thể thao mang tính đồng đội như bóng đá, bóng rổ. Thể thao không chỉ giúp con tăng cường sức khoẻ mà còn rèn luyện tinh thần.
Theo chị Vân, trẻ tăng động thường thừa năng lượng nên việc cho con tham gia các môn thể thao là giúp con chuyển hoá năng lượng của mình. Hơn nữa, những môn thể thao này luôn cần sự hợp tác giữa các thành viên trong đội, từ đó con sẽ học được những kỹ năng để có thể kết nối bạn bè.
Bên cạnh đó, chị Vân cũng nhờ sự hỗ trợ từ giáo viên dạy lớp con. Giáo viên là người cần hiểu rõ hơn về tính cách và những vấn đề trẻ tăng động đang gặp phải, bởi họ sẽ là người theo sát con những lúc cha mẹ không bên cạnh chúng.
Giáo viên có thể giúp, khuyến khích con giao tiếp một cách lành mạnh với trẻ khác. Khi trong lớp có các hoạt động nhóm, chị Vân thường nhờ giáo viên để con vào nhóm với những trẻ có tính cách tương đồng.
Để kết bạn trẻ cần rất nhiều kỹ năng bao gồm việc nghe, nói, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Tuy nhiên, những kỹ năng này không thể tự nhiên mà có đối với trẻ tăng động.
Theo PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh, không phải lúc nào trẻ cũng hiểu được cách giao tiếp với những đứa trẻ khác. Có thể trẻ thực sự muốn nói chuyện, chơi đùa cùng các bạn nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Khi đó, cha mẹ phải là người hướng dẫn cho con, chỉ cách để có thể tham gia một cuộc trò chuyện bất kỳ. Cha mẹ cũng có thể rèn luyện kỹ năng này ở nhà bằng cách thường xuyên trò chuyện cùng trẻ.
Kỹ năng lắng nghe rất quan trọng để trẻ có thể kết giao bạn bè. Tuy nhiên, trẻ tăng động thường không có kỹ năng nghe tốt. Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ cách lắng nghe cẩn thận mọi thứ mà bạn nói. Yêu cầu trẻ lặp lại những gì cha mẹ đã nói về những chủ đề quan trọng. Thói quen này sẽ khiến trẻ học được cách tập trung, chú ý hơn, cải thiện kỹ năng lắng nghe.
Nếu thấy trẻ có những hành động hung hăng, đánh, la hét đối với trẻ khác khi đang chơi, cha mẹ nên ngay lập tức hỏi lý do. Sau khi trẻ kể rõ sự việc, bạn cần giải thích rằng hành động như vậy là không đúng và yêu cầu trẻ xin lỗi bạn hoặc áp dụng một hình thức phạt nhẹ nhàng để tránh tái diễn.
Nếu trẻ khó khăn khi kết bạn trên lớp, cha mẹ nên thường xuyên mời một vài người bạn của trẻ về nhà chơi. Theo TS Nguyễn Tuyết Minh – Dự án “Những đôi mắt” (founder The Myriad Eyes), phương pháp này cực kỳ hữu ích, bởi cha mẹ có thể kiểm soát những hành vi của trẻ, vừa tạo một môi trường thoải mái hơn để trẻ chơi cùng bạn bè.
Trẻ sẽ thích hợp chơi với những bạn nhỏ tuổi hơn là những bạn bằng tuổi và sẽ dễ dàng hơn nếu trẻ chơi trong các nhóm nhỏ thay vì phải loay hoay kết giao bạn bè trong các nhóm lớn.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()