Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:45 (GMT +7)
TikTok mở chiến dịch khuyến khích người dùng kiểm chứng thông tin
Thứ 5, 13/05/2021 | 13:58:08 [GMT +7] A A
Trong khuôn khổ chiến dịch mới, TikTok cộng tác với một số nhà sáng tạo nội dung, nhân vật của công chúng và tổ chức thiện nguyện The Student View để tạo ra một loạt video trên nền tảng xã hội này.
Thông báo về sự ra mắt của chiến dịch mới, TikTok tuyên bố "có trách nhiệm giáo dục người dùng một cách nghiêm túc." (Nguồn: 24h.com.vn) |
TikTok vừa triển khai chiến dịch #FactCheckYourFeed nhằm trang bị cho người dùng những kỹ năng cần thiết để họ có tư duy phản biện khi tương tác với các nội dung xuất hiện trên mạng xã hội này.
Nhờ đó, người dùng có thể hoạt động trên nền tảng TikTok một cách an toàn, không bị ảnh hưởng bởi các nội dung có khả năng gây hại.
Trong khuôn khổ chiến dịch mới, TikTok cộng tác với một số nhà sáng tạo nội dung, nhân vật của công chúng và tổ chức thiện nguyện The Student View - nơi đặt mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của công chúng về truyền thông - để tạo ra một loạt video trên nền tảng mạng xã hội này.
Các video sẽ giúp đảm bảo an toàn cho người dùng TikTok và thúc đẩy họ phát triển tư duy phản biện khi hoạt động trên không gian mạng xã hội.
Khi thông báo về sự ra mắt của chiến dịch mới, TikTok tuyên bố "có trách nhiệm giáo dục người dùng một cách nghiêm túc, đồng nghĩa với việc đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận những thông tin hay và chính xác bất cứ khi nào họ cần."
TikTok đánh giá để đạt được điều này, "điều quan trọng là người dùng có thể nhận diện đúng những gì họ đang xem và hiểu rằng có thể họ đang tiếp cận với những thông tin không chính xác và có hại."
Với một số người dùng, học trên TikTok đồng nghĩa với việc thấu hiểu về thế giới tự nhiên. Với một số khác, đó có thể là học làm bánh mỳ chuối hay mì Ý, học cách hát một ca khúc hay khám phá những cuốn sách mới.
Hoặc như trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành như hiện nay, việc người dùng được trang bị những thông tin đúng đắn về các loại vaccine là điều rất quan trọng.
Trên cơ sở đó, trào lưu #FactCheckYourFeed đã được triển khai với một loạt video hướng dẫn xây dựng tư duy phản biện khi xem video, cũng như cách thức nhận diện tin tức đúng hay sai.
Các video này đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, gồm cách để tư duy phản biện và tranh luận theo hướng xây dựng, nhận dạng các tin tức giả và thông tin sai lệch, cách thức để tiếp cận thông tin một cách cân bằng.
Cụ thể, loạt video của TikTok sẽ có sự tham gia đóng góp nội dung của các thành viên dưới đây:
@mrdanwalker – Nhà báo, người dẫn chương trình Dan Walker sẽ diễn giải vì sao người dùng cần đọc các tiêu đề (bắt mắt) mà chúng ta thấy trên tin tức và truyền thông với một con mắt phản biện.
@maxfostercnn – Định nghĩa thế nào là tư duy phản biện và điều này có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề như thế nào, cũng như những lời khuyên làm sao để có thể chiến thắng trong một cuộc tranh luận.
@ayaanahmed – Nói về 5 chữ W trong truyền thông (Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Tại sao?), qua đó giúp người dùng thu thập thông tin và giải quyết vấn đề.
@bnfreestyle – Thảo luận về việc thấu hiểu người khác và tại sao trò chuyện với người có góc nhìn khác biệt sẽ giúp chúng ta thách thức quan điểm của chính mình. Việc này cũng giúp người dùng có được bức tranh toàn cảnh về một sự việc, trước khi họ đưa ra quyết định liên quan.
@thisisiona – Thảo luận về cách thức xây dựng một "bữa ăn tin tức" cân bằng và diễn giải tại sao chúng ta nên hấp thụ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
TikTok tuyên bố trong giai đoạn hiện nay, khi yếu tố tin tưởng và tương tác với những gì người dùng nhìn thấy trên mạng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, tham vọng của mạng xã hội này với trào lưu #FactCheckYourFeed chính là khuyến khích cộng đồng người dùng “đào sâu” thêm một chút nữa, suy nghĩ rộng hơn một chút nữa khi tiếp nhận nội dung.
Việc phát triển những kỹ năng quan trọng này sẽ không chỉ giá trị với người dùng khi họ ở trên mạng, mà còn có thể mang tới nhiều lợi ích khác cho họ trong cuộc sống thường nhất./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()