Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:24 (GMT +7)
TikTok lợi hại đến đâu?
Thứ 2, 29/08/2022 | 14:15:11 [GMT +7] A A
Ra đời từ năm 2017 tại Trung Quốc, TikTok đã phát triển như vũ bão nhờ những thuật toán chính xác đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người dùng. TikTok đem lại danh tiếng cho không ít nghệ sĩ cũng như những người chuyên sáng tạo nội dung. Còn người làm nhạc vẫn tỏ ra cảnh giác với ứng dụng này…
THUẬT TOÁN “MA THUẬT”
Giữa năm nay, Elon Musk tuyên bố qua mạng Twitter rằng TikTok có thể đang đẩy nhanh văn minh nhân loại tới chỗ suy tàn: “Có phải TikTok đang phá hủy nền văn minh không? Một số người nghĩ như vậy đấy. Hoặc có lẽ là mạng xã hội nói chung”.
Tất nhiên tuyên bố của chủ sở hữu Twitter chưa hẳn đã khách quan. Nhưng Musk vẫn thừa nhận những điểm mạnh đáng học tập của TikTok. Ông đã trải nghiệm TikTok và mô tả “triệu chứng” mà ứng dụng này gây ra giống như rối loạn giảm chú ý (hay còn gọi là ADD, chỉ tình trạng khó tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm và có biểu hiện của hiếu động thái quá) ở mức độ cao hơn.
Ông thừa nhận một số video của TikTok “gây khó chịu nhưng không hề nhàm chán”. Rõ ràng TikTok đã “tạo ra những thuật toán đáng gờm nhất có thể” để lôi kéo lượng người dùng trẻ khổng lồ. Tỷ lệ người trẻ tham gia TikTok phải nói là áp đảo: 70% thuộc nhóm 16-24 tuổi.
Trước đó, giáo sư Galloway (ĐH New York) ví TikTok như một dạng “cocaine kỹ thuật số”. Với khả năng “gây nghiện thậm chí ngay từ lần thử đầu tiên” theo mô tả trải nghiệm của nhà báo John Koetsier (Forbes). “Đáng sợ” hơn, Facebook cũng đã tung ra ứng dụng Reels có cách thức hoạt động tương tự TikTok, nhiều clip từ TikTok cũng được dịp tràn lên Facebook qua đường này. Như vậy nhiều người dù chưa cài TikTok nhưng cũng vẫn bị những thuật toán ma thuật chi phối.
Chúng khiến người dùng không thể ngừng xem các nội dung bao gồm những clip ngắn (có khi chỉ 15 giây) gây bất ngờ vì người dùng không được biết trước sẽ được xem gì. Người dùng nhanh chóng làm quen với việc chỉ cần chú ý trong vài chục giây sẽ có một thứ gì đó hay ho xuất hiện. Đây là điều mà cuộc sống thực không thể đem lại cho họ.
Rồi thuật toán của TikTok sẽ giới thiệu những clip phù hợp căn cứ vào những nội dung khiến người dùng quan tâm tương tác. Khi được xem những nội dung ưa thích, trung tâm hệ thống khen thưởng (đóng vai trò quan trọng trong định hình cảm xúc và điều hướng hành động của con người để đạt tới cảm giác sung sướng) trong não được kích hoạt. Khiến người dùng không ngừng muốn nhận những phần thưởng tiếp theo.
Các nhà khoa học cho rằng việc quá quen với việc nhận được sự thỏa mãn tức thời khi thực hiện thao tác cuộn TikTok khiến người ta lười tiếp xúc với những hoạt động đòi hỏi sự tập trung lâu dài như đọc sách, kể cả nghe nhạc, xem phim và sau đó là giao tiếp.
Giới nghiên cứu còn lo lắng thuật toán có khả năng đề xuất nội dung trùng 99% với sở thích người dùng sẽ ảnh hưởng xấu lên sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên. Chẳng hạn, trẻ em vừa xem xong clip về cách giảm cân hoặc một chủ đề có thể gây hại khác, thì ứng dụng đã tiếp tục đề xuất ngay một loạt clip tương tự.
Trẻ em sớm làm quen với những nội dung ảo đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. “Nếu não trẻ quen với những thay đổi liên tục, não sẽ khó thích nghi với một hoạt động phi kỹ thuật số, nơi mọi thứ không di chuyển nhanh như vậy” là một cảnh báo của TS Michael Manos trên tờ Wall Street Journal.
Thay vì khuyến khích người dùng giao lưu, kết bạn với người khác (dù chỉ là trên môi trường số), thì người dùng TikTok có xu hướng tương tác với thuật toán, cũng có thể nói tương tác với chính mình.
Các clip cá nhân hóa do thuật toán mang lại kích hoạt một phần não giúp bạn tập trung hơn vào chúng. Một nhóm nghiên cứu đã tiến hành quét não người dùng TikTok và nhận thấy họ có các phản ứng như nghiện. Vì tò mò do không thể đoán trước sẽ được xem gì tiếp theo nên người dùng TikTok sẽ khó chủ động dứt ra khỏi việc xem ứng dụng.
Quá trình xem TikTok giải phóng dopamine gây hưng phấn. Và khi chúng ta ngừng lại, não không kịp sản sinh ra dopamine có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
TIKTOK ĐÃ LÀM GÌ ÂM NHẠC?
Nhu cầu sử dụng âm nhạc của tầm 1 tỷ người dùng TikTok đương nhiên rất cao. Nhất là khi TikTok cho phép người dùng sử dụng các đoạn nhạc có sẵn để lồng vào clip của mình. Những bản nhạc trở thành xu hướng được tái sử dụng hàng triệu lần khiến tác giả của những đoạn nhạc đó trở nên nổi tiếng toàn cầu. Vì thế ngày càng có nhiều ca sĩ quan tâm tới việc phát hành nhạc trên TikTok. Họ sẵn sàng cắt nhỏ bài hát của mình ra, làm nó trở nên sôi động bằng cách tua nhanh lên… miễn sao chiều lòng người xem TikTok. Từ đó hình thành thể loại “bài hát TikTok” với những đặc thù riêng, có khi nhờ vào may rủi hơn là đầu tư sáng tạo.
Theo ông Lâm Thời Đại (Giám đốc điều hành hãng đĩa Thời Đại), các hãng đĩa hiện nay đều phải nghĩ đến việc phát hành bài mới trên TikTok như một cách đăng ký bản quyền. Từ đó người dùng TikTok có thể tha hồ sử dụng những đoạn nhạc ngắn (15-30 giây) do hãng đĩa cung cấp miễn phí. Khi muốn được TikTok quảng bá, ca sĩ có thể tặng luôn bài hát cho TikTok. Tất nhiên các hãng đĩa có uy tín sẽ không làm chuyện đó. Họ đều có những công cụ để phát hiện các đoạn nhạc được sử dụng trái phép (kể cả khi nó đã được remix) trên TikTok để đòi bản quyền về cho nghệ sĩ.
Ông Đại không lựa chọn mà đưa tất cả các sản phẩm mới của mình lên TikTok cùng lúc với các nền tảng khác như Facebook, Instagram, Twitter... Để phủ sóng sản phẩm và hình ảnh nghệ sĩ nhanh nhất có thể. Vả lại cũng không thể đoán được bài nào sẽ thành xu hướng trên mạng xã hội. TikTok từng làm nóng lại những bài hát đã sinh ra cách đây nhiều chục năm, kể cả của những nghệ sĩ địa phương.
|
Lượt dùng trên TikTok sẽ làm bùng nổ lượt nghe trên các ứng dụng chuyên về nhạc khác như Spotify, mang lại lợi nhuận cho ca sĩ và hãng đĩa. Nhưng một số nhà sản xuất vẫn thận trọng trong việc làm biến dạng bài hát để gây chú ý với người dùng TikTok.
“Những người nghe bài speed-up (bài hát được tua nhanh hơn tốc độ bình thường-PV) không phải đối tượng của chúng tôi. Dù cũng có khi người thích đoạn nhạc hay sẽ tìm bản gốc để nghe thử. Nhưng nó vẫn làm biến dạng bản gốc. Và một số nghệ sĩ sẽ thấy buồn phiền vì người dùng chỉ nhớ đoạn remix thôi không nghe bài gốc”, ông Đại nói.
Hành vi của người dùng TikTok hoàn toàn khác với người nghe khi vào các nền tảng cung cấp âm nhạc thông thường. Người dùng TikTok nghe nhạc hoàn toàn thụ động theo sự điều khiển của thuật toán. Trong khi những người tạo nội dung cho TikTok thì dùng âm nhạc để sáng tạo và thể hiện tính cá nhân. Ca sĩ Hà Lê cũng tìm cách để tận dụng những mặt mạnh của TikTok mà không để ứng dụng này chi phối. Thậm chí anh còn ngăn công ty quản lý remix sản phẩm của mình để phát hành trên TikTok.
“Nhạc của mình, mình cũng mất công sáng tạo ra, nên để cho nó có đời sống của nó. Nếu người nghe thích, muốn làm bản remix là quyền tự do của họ. Tùy vào hoàn cảnh, thời điểm, có thể tôi cũng remix nhạc của mình nhưng đó là lúc bản gốc đã có một đời sống đủ mạnh”.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()