Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:30 (GMT +7)
TikTok biến ca sĩ Việt thành 'cỗ máy'
Thứ 6, 19/08/2022 | 14:13:13 [GMT +7] A A
Trên TikTok, âm nhạc bị “kìm kẹp” sức sáng tạo. Trong khi đó, ca sĩ mất đi màu sắc cá nhân vì mải chạy theo trào lưu remix và những video dài 15 giây.
Âm nhạc là một trong những nội dung phổ biến nhất trên TikTok. Các video chèn nhạc từ 10 giây đến hai phút xuất hiện ở mọi nơi trên ứng dụng. Và hầu hết trong số đó là nhạc remix. Do đó, tác động của ứng dụng đối với âm nhạc, ca sĩ và cách thưởng thức của khán giả là rất lớn.
"Trên TikTok, âm nhạc không trọn vẹn"
Nhà sản xuất BeeBB từng hợp tác với Tiên Tiên, Andree Right Hand, Đạt G, LK, Orange… trao đổi với Zing: “Cũng như hai mặt của một vấn đề, việc đưa nhạc lên TikTok có những hạn chế riêng, đầu tiên là khả năng truyền tải âm nhạc. Định dạng âm nhạc của TikTok là định dạng ngắn, vì thế thông điệp, giai điệu, cảm xúc, câu chuyện của bản nhạc chưa được thể hiện trọn vẹn. Đáng nói, phần thông điệp, cảm xúc được xem như tuyên ngôn sáng tạo của người làm nhạc”.
“Nghệ sĩ dễ bị cuốn theo xu hướng thịnh hành, chạy theo các chỉ số đo lường hiệu quả của TikTok mà quên mất việc đầu tư vào giá trị nội dung, cảm xúc của sản phẩm mình làm ra. Theo quan điểm cá nhân, nghệ sĩ cần chú ý để luôn đem lại giá trị tích cực trong cách sáng tạo và quảng bá sản phẩm trên bất kể nền tảng nào, tránh làm méo mó giá trị sản phẩm nghệ thuật cũng như mang lại những điều tiêu cực đến cộng đồng”, anh nói.
Khi được hỏi về vấn đề âm nhạc bị bó hẹp trong thời lượng ngắn và trào lưu remix ngập tràn TikTok, K-ICM chia sẻ với Zing: “Mọi thứ đều có 2 mặt lợi, hại, tốt xấu tùy vào cách sử dụng. Nhưng khi đã bị công thức hóa và vô thức lạm dụng thì không còn là sáng tạo nữa”.
Nhà sản xuất tiếp tục: “Việc đó trở nên nhàm chán, thậm chí gây bức xúc, chẳng hạn việc nghệ sĩ chỉ tập trung sản xuất đoạn nhạc bắt tai, dễ nhảy theo mà không chú trọng chất lượng cả sản phẩm nữa. Tôi tin nghệ thuật là truyền tải tâm tư của người nghệ sĩ đến khán giả, chứ không phải toan tính, đối phó bằng công thức. Hoạt động cả 2 mảng sáng tác và remix nhưng tôi nghĩ ca khúc nên được viral từ nguyên gốc”.
Ca sĩ bị dập khuôn một công thức
Sản xuất âm nhạc nên dựa trên sự sáng tạo và tính chân thực của nghệ sĩ, đồng thời liên tục đổi mới. Nếu mọi nghệ sĩ và công ty đều tập trung vào việc tạo ra các bản hit có sức lan tỏa trên TikTok, làm sao ngành âm nhạc có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của những đoạn âm thanh kéo dài 15 hoặc 30 giây?
Sự bùng nổ của TikTok đang khiến nghệ sĩ bị công nghiệp hóa. Nhiều trường hợp ca sĩ bị công ty ép tạo nên những bản nhạc bắt tai, dễ nghe. Yếu tố cảm xúc, chất lượng hay ý nghĩa hoàn toàn bị gạt sang một bên.
Ed Sheeran, Alison Wonderland, Charli XCX và Halsey cùng nhiều nghệ sĩ khác từng tỏ thái độ không hài lòng về sự ảnh hưởng của TikTok với ngành âm nhạc. Ngày càng có nhiều người cho rằng TikTok làm tổn thương ngành công nghiệp âm nhạc. Các nghệ sĩ nên có không gian để sáng tạo tự do mà không bị giới hạn bởi một ứng dụng và để nó quyết định chất lượng, ý nghĩa sản phẩm.
“Tôi có một bài hát yêu thích và muốn giới thiệu nó ngay bây giờ nhưng công ty của tôi không cho phép. Tôi đã làm việc ở ngành này 8 năm và bán được 165 triệu bản thu âm nhưng họ nói với tôi không thể phát hành ca khúc cho đến khi có thể tạo nên giai điệu lan truyền trên TikTok. Tất cả bây giờ chỉ tập trung vào việc quảng bá và họ đang làm như vậy với tất cả nghệ sĩ. Tuy nhiên, những gì tôi muốn là tạo ra âm nhạc hay. Tôi nghĩ tôi xứng đáng được đối xử tốt hơn. Tôi rất mệt mỏi", Halsey bày tỏ.
Vài tháng trước, Adele nói trong một cuộc phỏng vấn với Zane Lowe cho Apple Music rằng công ty yêu cầu cô sáng tác những bài hát dễ tiếp cận khán giả trẻ hơn. “Khi chúng tôi đang hoàn thiện các bản phối, TikTok liên tục xuất hiện trong cuộc trò chuyện. Họ nói với tôi: 'Chúng ta phải đảm bảo những đứa trẻ 14 tuổi biết bạn là ai'. Tuy nhiên, mỗi nghệ sĩ có đối tượng khán giả riêng”, Adele chia sẻ.
Với Adele, những ca khúc trong album mới của cô có “lời bài hát dành cho tâm hồn của những người ở độ tuổi 30 đang theo đuổi mục tiêu”. Đó là những gì Adele hướng đến trong quá trình sáng tác album. Đó cũng là lý do cô quan tâm hơn đến chất lượng thay vì lợi ích quảng bá.
Mặt tối về bản quyền trên TikTok
Vấn đề bản quyền cũng khiến người trong nghề băn khoăn khi sử dụng TikTok. Theo Red Points - tổ chức chuyên tư vấn vi phạm bản quyền, mạo danh và lạm dụng phân phối - sự tăng trưởng về lượng người xem và nội dung của TikTok dẫn đến các vụ vi phạm bản quyền xảy ra ngày càng nhiều.
"TikTok không tự động phát hiện hoặc gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền. Nền tảng này để người dùng chủ động theo dõi và báo cáo nội dung vi phạm", Red Points cho hay.
TikTok cho phép người dùng đăng lại bất kỳ nội dung nào họ muốn. Nếu nội dung được đăng vi phạm bản quyền, TikTok chỉ xem xét gỡ khi có yêu cầu từ chủ sở hữu bản quyền, luật sư hoặc đại diện của họ. Ở TikTok, người dùng có thể chèn bất cứ ca khúc nào vào những video họ sản xuất. Do đó, vấn đề vi phạm bản quyền TikTok phổ biến ở cả âm nhạc lẫn truyền hình và điện ảnh.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, nhà sản xuất BeeBB cho biết: “Sau thời gian trải nghiệm TikTok và quan sát, tôi nhận thấy có 2 trường hợp. Đầu tiên, người dùng đăng video do họ tự sản xuất và chèn nhạc. Nếu bản nhạc gốc đã được tuyên bố bản quyền trên mọi nền tảng, hệ thống sẽ tự động nhận diện phần âm thanh remix mà người dùng đang sử dụng trong video là có chứa thông tin từ bài hát gốc. Vì vậy, vấn đề bản quyền không bị ảnh hưởng”.
Nhà sản xuất tiếp tục: “Ở trường hợp thứ hai, người dùng tải về bản nhạc gốc sau đó remix theo phong cách của riêng họ. Sau đó, họ đăng lên nền tảng mà chưa thông qua sự cho phép của tác giả bản gốc. Ở trường hợp này, chắc chắn vấn đề bản quyền của bài hát gốc bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Đôi khi, tình trạng vi phạm xuất hiện từ sự vô tình. Việc lợi dụng sơ hở để phát hành tự do các bản nhạc, lạm dụng nó đang là vấn đề và mặt tối của nhiều nền tảng streaming âm nhạc hiện nay, bao gồm TikTok”.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()