Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:16 (GMT +7)
Tiểu Vy bị đồn yêu ông Đặng Lê Nguyên Vũ và thủ đoạn tin giả showbiz
Thứ 5, 04/05/2023 | 10:03:11 [GMT +7] A A
Ngày 3/5, Tiểu Vy bác thông tin hẹn hò ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tin đồn tình cảm vô căn cứ đang là vấn nạn, với thủ đoạn ngày càng tinh vi từ các tài khoản mạng xã hội.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, biên giới giữa nghệ sĩ và công chúng ngày càng được kéo gần. Những tin tức về người nổi tiếng có cơ hội tiếp cận dễ dàng với khán giả. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự bùng nổ của hàng loạt fake news (tin giả).
Ngày nay, tin giả trở thành “biến chủng” lây lan với tốc độ chóng mặt trên mọi nền tảng mạng xã hội. Nghệ sĩ nào, dù kỳ cựu hay trẻ tuổi đều không dưới một lần đối mặt với vấn nạn này. Những thông tin sai lệch đang từng ngày gieo rắc nỗi sợ hãi cho hàng loạt người nổi tiếng. Thậm chí, đằng sau những tin giả là những "cỗ máy kiếm tiền" xấu độc, những fanpage, tài khoản câu view, trục lợi từ những tin đồn vô căn cứ, không bằng chứng.
Trong cuộc chiến chống lại tin giả, các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đều chọn cách lên tiếng. Nhiều người trong số họ không ngần ngại đệ đơn lên tòa án để răn đe những thành phần vu khống, lấy lại sự trong sạch cho bản thân.
Chuyên gia cho rằng đó là phương cách tối ưu để người nổi tiếng bảo vệ bản thân. “Im lặng ư. Không ai làm thế mỗi khi gặp tin giả, nhất là nghệ sĩ. Khán giả sẽ dễ dàng cho rằng tin giả đó là sự thật”, luật sư Park Young Jae nói trên tờ Hankookilbo.
“Đừng tin mọi thứ bạn đọc ở những tài khoản mạng xã hội”
Theo The Guardian, fake news là những thông tin bịa đặt, phóng đại hoặc xuyên tạc, bóp méo sự thật, được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội nhằm đạt mục đích nào đó. Fake news hiện diện ở mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Ở lĩnh vực giải trí, fake news thường tồn tại dưới dạng tin đồn thất thiệt, chưa kiểm chứng, được chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải trên mạng xã hội để nhắm vào người nổi tiếng, gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, danh tiếng cũng như công việc của không ít nghệ sĩ.
Thống kê trên ExpressVPN cho thấy Tom Holland là nghệ sĩ đứng đầu trong bảng tổng sắp top 10 người nổi tiếng gặp rắc rối nhiều nhất với tin giả năm 2022. Theo tờ Rolling Stone, trong nhiều năm, tài tử Spider-Man là nạn nhân bất đắc dĩ của tin giả.
Không chỉ là những tin đồn về chuyện tình cảm, Tom Holland còn gặp rắc rối với fake news liên quan đến công việc. Năm 2017, một tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng với nội dung ngôi sao sinh năm 1996 bị loại khỏi loạt phim Spider-Man, khiến cho fan của anh đứng ngồi không yên. Không lâu sau đó, Marvel Studios và đại diện của Tom Holland phải lên tiếng bác bỏ tin đồn để trấn an người hâm mộ.
Ba năm sau, Holland tiếp tục trở thành nạn nhân của tin giả khi hàng loạt tài khoản mạng đưa tin anh được chọn vào vai chính trong live-action chuyển thể từ Death Note. Một lần nữa, phía tài tử phải đính chính để tránh hiểu lầm đáng tiếc.
Gần nhất, vào tháng 7/2022, cộng đồng mạng chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh Holland để tóc luộm thuộm, vẻ mặt hớt hải, bỏ chạy, phía sau là một số nhân viên an ninh đuổi theo. “Tom Holland bị truy đuổi khi đang quay phim”, “Tài tử Người Nhện bỏ chạy trên phố, bị an ninh đuổi theo”… là những tiêu đề xuất hiện trên mạng xã hội và thu hút hàng triệu lượt thích.
Thực chất, đây chỉ là một trong số các phân cảnh mà nam diễn viên thực hiện trong phim mới. Ngay sau khi Deadline và nhiều tờ báo chính thống khác lên bài giải thích, tin đồn mới được xoa dịu. Tuy nhiên, những clip kể trên vẫn không được xóa bỏ khỏi TikTok hay YouTube.
Tin giả song hành với Tom Holland nhiều năm như hình với bóng. Có một thời gian, tài tử phải chọn cách tránh xa mạng xã hội cũng như các thiết bị điện tử để bớt mệt mỏi. Tom Holland mạnh tay xóa bỏ trang cá với hơn 67,7 triệu người theo dõi. Anh cho biết tin giả cùng những hệ lụy liên quan khiến cho sức khỏe tinh thần của bản thân ngày càng xuống dốc.
Paris Hilton từng bị phản ứng khi hình ảnh cô mặc chiếc áo với dòng chữ “stop being poor” (ngừng nghèo) được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Đông đảo khán giả tràn vào trang cá nhân của cô và chỉ trích “nữ hoàng tiệc tùng” đang thể hiện bộ mặt đạo đức giả. Hàng loạt meme (ảnh chế) từ bức ảnh nói trên phủ sóng mạng xã hội.
Không lâu sau, Paris Hilton phải đăng tải một đoạn clip giải thích. Nữ ca sĩ nói hình ảnh được lan truyền là sản phẩm của photoshop. Đồng thời, Paris Hilton mặc lại chiếc áo với dòng chữ đúng là “stop being desperate” (ngừng tuyệt vọng) để làm rõ sự thật.
“Tôi chưa bao giờ mặc chiếc áo đó. Đừng tin tất cả mọi thứ bạn đọc”, cô nói.
Sau Tom Holland, Paris Hilton, những ngôi sao như Justin Bieber, Katy Perry, Selena Gomez, Kim Kardashian luôn là đối tượng nhắm đến của những kẻ tung tin giả.
Thủ đoạn của những kẻ tung tin giả ngày càng tinh vi
Có nhiều nguyên nhân để công chúng dễ dàng tin vào tin giả. Theo nghiên cứu của nhà báo Bouchra Ouatik, một trong số đó thể kể đến: vì ta muốn khẳng định cái ta đã nghĩ; muốn tìm cách bảo vệ cái tôi của mình; bộ não chúng ta muốn đi tắt do lười...
Tin giả nhưng hệ quả là thật. Cuộc chiến chống lại tin đồn của nghệ sĩ chưa bao giờ dễ dàng.
Thông thường, nghệ sĩ quốc tế chọn cách lên tiếng đính chính thông qua công ty quản lý hoặc bài đăng trên trang cá nhân. Trong nhiều trường hợp, nếu tin đồn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, danh tiếng và sự nghiệp, người nổi tiếng sẽ ngay lập tức nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Tháng 3, khi tin đồn Hyun Bin và Son Ye Jin ly hôn nổ ra, VAST Entertainment - công ty quản lý nam diễn viên - phải nhanh chóng có phản hồi. Thông qua News1, đại diện công ty cho biết đây là tin tức vô căn cứ và sẽ có hành động pháp lý để ngăn chặn.
Theo các chuyên gia, việc điều tra các tài khoản giả mạo và trừng phạt luôn là thách thức không nhỏ. Bởi thủ đoạn của các đối tượng tung tin giả ngày càng tinh vi và khôn lường. Theo luật sư Park Young Jae (Công ty Luật Hoàn), nghệ sĩ không nên im lặng. Bởi sự im lặng có thể khiến khán giả hiểu rằng tin đồn là sự thật.
Về phía công chúng, người dân, tiến sĩ Jonathon McPhetres của Đại học Durham, Anh cho rằng mỗi người nên tăng cường bộ lọc cá nhân thông qua việc kiểm chứng thông tin, trước khi chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội.
“Hãy tự hỏi bản thân: Nguồn tin này có đáng tin cậy không? Nó có uy tín và đã được kiểm duyệt hay chưa? Liệu có thể tìm thấy thông tin này từ nguồn độc lập khác hay không”, ông nói.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()