Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:26 (GMT +7)
Tiểu thuyết kinh dị "Tết ở làng địa ngục" được chuyển thể thành phim
Thứ 3, 03/05/2022 | 09:58:15 [GMT +7] A A
Tiểu thuyết kinh dị ăn khách về ngôi làng gặp họa lớn "Tết ở làng địa ngục" được chuyển thể thành phim, Hà Giang trở thành bối cảnh cho bộ phim về ngôi làng bị quỷ ám này
Tiểu thuyết "Tết ở làng địa ngục" của tác giả Thảo Trang đạt 4.000 bản trong lần xuất bản đầu, gấp 3 lần một cuốn sách thông thường. Bản sách thương mại lọt top 11 đầu sách ăn khách nhất trong tuần của Tiki.
Thành danh qua các tác phẩm kinh dị đậm chất Việt, tác giả Thảo Trang lần này đưa độc giả tới một ngôi làng trên vùng núi được người dân mặc định là "làng địa ngục". Dân làng vốn là hậu duệ của một băng cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Tổ tiên của họ từng gây ra nhiều vụ thảm sát nên con cháu đời sau luôn sống trong nỗi sợ bị báo oán. Thậm chí, họ không dám tự ý băng rừng rời khỏi làng.
Vào một đêm cuối năm, ông Thập - trưởng làng và cũng là người duy nhất có thể xuống núi an toàn - được 3 con rắn báo mộng rằng "làng địa ngục" sắp gặp họa lớn. Những điều khủng khiếp liên tiếp xảy ra khiến người dân trải qua một cái Tết ám ảnh và kinh hãi.
Từ chỗ bi phẫn, họ bắt đầu xoay sang nghi ngờ và trở mặt với nhau. Kẻ nào đứng sau tất cả tội ác này? Liệu cơn ác mộng ở "làng địa ngục" có thể kết thúc hay nơi đây sẽ bị nhấn chìm trong số mệnh đúng như tên gọi của nó?
"Tết ở làng địa ngục" được đánh giá là màn chào sân ấn tượng của một nhà văn nữ có tuổi đời còn trẻ. Tác giả Thảo Trang sinh năm 1991, là cây bút được nhiều bạn trẻ yêu thích ở dòng truyện kinh dị. Cô muốn tạo ra những tác phẩm không chỉ mang tính giải trí mà còn phải có giá trị và kết hợp yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam.
Tác giả Thảo Trang bộc bạch: "Việc một nhà sản xuất có những dự án phim kinh dị trên thực tế không ít nhưng để có thể mang đậm tính dân gian trong mỗi câu chuyện tâm linh, thể hiện được tín ngưỡng, quan niệm và lòng tin của người Việt lại chẳng mấy người làm được. Trên phương diện một tác giả, tôi thấy rằng ProductionQ làm được điều đó. Khi trao đổi và thảo luận với đơn vị này, tôi thấy cái tâm của nhà sản xuất và toàn bộ êkip. Vì vậy mà tôi cảm thấy rất yên lòng khi giao đứa con tinh thần của mình cho họ".
Đồng hành với Thảo Trang, nhà xuất bản Đinh Tị cho biết từ lâu đã ấp ủ mảng văn học giải trí riêng của các tác giả Việt Nam. Khi nhận được bản thảo của Thảo Trang, nhà xuất bản đã cảm nhận được đây không chỉ là một tác phẩm có chất lượng mà còn mở ra một hướng đi trong tương lai gần.
"Chúng tôi không quá bất ngờ khi "Tết ở làng địa ngục" có thể được chuyển thể. Bất cứ sự đầu tư và chăm chút nào cho các tác phẩm Việt Nam, dưới bất cứ hình thức nào, đều là đáng trân trọng. Chúng tôi hy vọng phiên bản phim của tác giả Thảo Trang cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt, giống như các độc giả đã đón nhận sách" - phía nhà xuất bản bày tỏ.
Theo nhà sản xuất Hoàng Quân, "Tết ở làng địa ngục" không chỉ lôi cuốn mà còn rất đầy đặn và đậm đà màu sắc tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam. "Chưa có một tác phẩm nào khiến tôi cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn đến thế" - anh cho biết.
Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, "Tết ở làng địa ngục" là cuốn tiểu thuyết kinh dị có nội dung kỳ lạ và thú vị nhất mà anh từng đọc. Khác với các câu chuyện kinh dị thông thường, ở tiểu thuyết này, tác giả mô tả chi tiết các cái chết và sự độc ác của quỷ dữ thông qua những chi tiết đậm chất văn hóa dân gian và tâm linh miền cao". Khi chuyển thể thành phim, anh cùng cộng sự muốn tiếp tục đào sâu mảng văn hóa dân gian Việt Nam, chia sẻ câu chuyện này đến với khán giả trong nước và thế giới.
Bối cảnh chính của "Tết ở làng địa ngục" là một ngôi làng hẻo lánh tại một vùng đất hoang vu, tách biệt thế giới bên ngoài. Do đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn nghĩ ngay đến Hà Giang. "Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp của cao nguyên đá mà các ngôi làng cổ vẫn giữ được nét đặc trưng từ xa xưa, cùng với khung cảnh hùng vĩ, núi non bạt ngàn, sương phủ dày đặc vào mùa đông hệt như mô tả trong tiểu thuyết" - anh hào hứng.
Theo Báo Người Lao Động
Liên kết website
Ý kiến ()