Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:35 (GMT +7)
Tiêu thụ thủy sản: Cần thêm giải pháp cấp bách hỗ trợ ngư dân mùa dịch
Thứ 5, 16/09/2021 | 08:39:24 [GMT +7] A A
Không chỉ rớt giá, nhiều loại hải sản Vân Đồn đang rơi vào tình trạng giảm giá cũng không có người mua, hoặc tiêu thụ được với lượng rất thấp. Có những gia đình đang gửi gắm hàng chục tỷ đồng dưới biển, chờ đợi đại dịch qua đi để thông thương hàng hóa. Ngay lúc này, các sở, ngành và địa phương đã có nhiều động thái tích cực để kết nối, hỗ trợ ngư dân tiêu thụ thủy sản, giảm bớt thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Lao đao vì dịch
Là vựa thủy sản lớn của tỉnh, thế nhưng giờ đây, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn đều đang mắc kẹt vì tiền vốn bỏ ra nhiều nhưng hàng tiêu thụ chậm và giá rớt xuống thấp nhất kể từ khi có dịch Covid-19. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các loại mặt hàng thủy sản như: Ngao, hàu, thưng, cá song, vốn là sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Vân Đồn.
Khung cảnh vắng vẻ dù đang vào vụ thu hoạch ngao, hàu và cá song ở Cảng cá Cái Rồng, điểm tập kết thu mua hải sản lớn nhất huyện Vân Đồn, mang theo nỗi buồn của những người ngư dân quanh năm bám biển.
Là một trong những người nuôi trồng quy mô lớn trên vùng biển thuộc khu 9, thị trấn Cái Rồng, ông Phạm Văn Dương không giấu nổi nỗi buồn: Lúc bình thường không dịch có thể bán được 180.000 - 200.000 đồng/kg cá song là đã có lãi, nhưng giờ đây, để đủ chi phí bỏ ra, phải bán giá thấp hơn là 150.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua. Chưa bao giờ cá song Vân Đồn lại rớt giá thảm hại như hiện nay.
Cá không bán được, càng nuôi càng to, càng khó bán, lượng ăn cũng nhiều hơn, vì thế mà chi phí cao hơn, cơ hội lấy lại vốn ngày càng xa hơn với ngư dân nơi đây. Ông Dương hiện nuôi trên 300 lồng, mỗi lồng có khoảng 8 tạ - 1 tấn cá trưởng thành. Hiện gia đình còn khoảng 200 tấn cá song đã đến kỳ khai thác (trọng lượng trung bình 6-7kg/con, có con 9-10kg) nhưng chưa bán được.
Số tiền đầu tư xuống biển đến nay đã lên đến gần 20 tỷ đồng, trong đó nuôi cả ngao, hàu, cá song, cá chim… Ông Dương cho biết, trước kia khoảng 2 ngày cho cá ăn 1 lần, mỗi lần khoảng 50 triệu đồng tiền thức ăn (cá con), nhưng nay thì 1 tuần chỉ có thể cho ăn 2 lần, với lượng thức ăn giảm xuống chỉ bằng 1/3 so với trước, vì thế cá không phát triển thêm mà chỉ giữ nguyên cân nặng hiện tại. “Cá không bán được ngày nào thì chúng tôi coi như bỏ tiền đi ngày đó” - ông Dương ngậm ngùi.
Cũng giống như ông Dương, gia đình ông Phạm Văn Khoa, một hộ nuôi gần đó, cũng chật vật khi hơn 100 lồng nuôi của gia đình với số vốn khoảng 10 tỷ đồng chưa có nơi tiêu thụ. “Tôi vay ngân hàng 2 tỷ đồng, tiền lãi mỗi tháng 15 triệu đồng, lương công nhân 25 triệu đồng/tháng, nên cuối năm 2020, phải bán rẻ 140.000 đồng/kg để trả bớt nợ. Thế nhưng, giờ dịch căng thẳng trong cả nước, muốn bán rẻ cũng khó, vì cá to hơn, bán càng khó hơn” - ông Khoa chia sẻ.
Tìm hướng hỗ trợ tiêu thụ
9 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng của các hộ nuôi trên địa bàn huyện Vân Đồn đạt 35.834 tấn, bằng 332% so với cùng kỳ năm ngoái, diện tích nuôi trồng 3.470ha, trong đó có đến 4.850 ô nuôi cá lồng bè. Dự kiến tháng 10 tới đây, trên 10.600 tấn thủy sản nuôi đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu không có các biện pháp tiêu thụ kịp thời thì nguy cơ tồn đọng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các hộ nuôi.
Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng đang tiến hành rà soát các mặt hàng thủy sản cần tiêu thụ, từ đó đưa ra số lượng, đơn giá, đầu mối để gửi Sở Công Thương thực hiện kích cầu, hỗ trợ các hộ nuôi trồng. Đến đầu tháng 9, với nhiều cách thức chủ động, đã có 50-60 tấn cá song loại 1,8-2,5kg/con, trên 10 tấn cá song loại to từ 5kg trở lên được bán. Tuy nhiên, đến nay loại cá này không còn, chỉ còn loại cá có trọng lượng lớn, khó bán hơn, nên chưa phát sinh đơn hàng mới.
Mới đây, ngày 7/9/2021, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn vừa phối hợp rà soát thực tế một số hộ nuôi trồng trên địa bàn thị trấn Cái Rồng để đánh giá thực trạng và đưa ra phương án hỗ trợ tiêu thụ thủy hải sản cho bà con.
Ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Sở Công Thương đã lập dự thảo kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ giờ đến cuối năm, đợi UBND tỉnh ký là sẽ ban hành, bao gồm cả việc tổ chức các chương trình tuần kết nối; vận động tiêu thụ vào các doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn như than, xi măng, điện; phối hợp với LĐLĐ tỉnh để vận động tiêu thụ trong đội ngũ CBCNVC toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc vận động hỗ trợ cũng chỉ có giới hạn, không thể vận động hỗ trợ mãi được. Cũng theo ông Phong, cái khó nhất trong thời điểm hiện tại chính là chưa tìm được đơn vị đứng ra đảm nhiệm khâu sơ chế trước khi xuất bán ra thị trường, đặc biệt là đủ điều kiện đảm bảo đưa được vào hệ thống siêu thị.
Hiện tại, mới chỉ có Công ty TNHH Dịch vụ nhà hàng Hồng Hạnh đang hỗ trợ làm sạch, cắt khúc, hút chân không và gửi đi các tỉnh nếu người mua có nhu cầu. Tuy nhiên, đây cũng không phải hướng lâu dài, cần có một xưởng sơ chế quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và đa dạng các phương án bán hàng mới có thể kích cầu được người tiêu dùng.
Năm ngoái, lượng hàu tiêu thụ thông qua các kênh kết nối, hỗ trợ do Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tổ chức lên đến 170.000 tấn, cao hơn nhiều so với số lượng 93.000 tấn dự kiến ban đầu. Việc cung cấp thông tin chính xác về sản lượng, phân loại theo kích thước, mức giá cụ thể của từng loại sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ, kết hợp với quá trình vận động, giao chỉ tiêu; đồng thời, mức giá hỗ trợ đảm bảo thấp hơn giá mua tại chợ. Đó chính là những yếu tố cốt lõi để đem đến thành công cho các chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, khối lượng thủy sản dư cần hỗ trợ tiêu thụ trên toàn tỉnh khoảng 28.400 tấn, trong đó, trên 15.500 tấn cá các loại (cá song, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò, cá sủ…); trên 7.600 tấn nhuyễn thể (hàu sữa Thái Bình Dương, hàu cửa sông); trên 5.300 tấn hải sản khác (ngao hoa, ngao 2 cùi).
Tại Quảng Ninh, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao một tỉnh có sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt cao nhưng lại không có một xưởng chế biến đúng tầm để tránh điệp khúc "được giá mất mùa, được mùa rớt giá"? Lý giải về điều này, ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Ngày thường, hải sản, đặc biệt là cá song, cứ đến mùa thu hoạch sẽ có tàu vào mua tận nơi rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. Người dân bán được giá cao hơn, dễ dàng hơn, không phải loay hoay tìm đầu ra, nên họ không mặn mà bán cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Các nhà máy chế biến lúc đó sẽ rơi vào tình trạng thường xuyên thiếu nguyên liệu. Chính vì thiếu sự gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, hơn nữa, cá song chủ yếu được người tiêu dùng lựa chọn ăn tươi, không qua chế biến (làm chả, làm cá khô) như các loại cá khác, lại là cá có giá trị cao, nên người nuôi mới khốn đốn trong tình trạng dịch như hiện nay.
Thực tế cho thấy, không nên chỉ dựa hoàn toàn vào các đơn hàng hỗ trợ tiêu thụ, mà chính bản thân những người nuôi phải tự tìm hướng đi cho mình, năng động, liên kết nhau để tìm cách tiêu thụ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay...
Nhu cầu cần hỗ trợ tiêu thụ của Vân Đồn: Hiện lượng thủy hải sản có nhu cầu tiêu thụ tại Vân Đồn vẫn còn khá lớn. Cụ thể, cá song đen lai loại từ 3-5kg/con sản lượng khoảng 500 tấn, mức giá 150.000 đồng/kg. Loại từ 5-8kg/con trở lên, khoảng 85 tấn, giá 160.000 đồng/kg. Cá song vang (cả con) loại từ 10-30kg/con, khoảng 50 tấn, giá 600.000 đồng/kg. Ngoài ra, khoảng 20 tấn ngao 2 cùi, với mức giá từ 9.000-70.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Hàu sữa Thái Bình Dương khoảng 300.000 tấn, loại nguyên vỏ xô giá dao động từ 4.000-7.000 đồng/kg, hàu ruột đã đóng túi (có xốp đóng 50kg/xốp) giá 60.000 đồng/kg. |
Khánh Linh
Liên kết website
Ý kiến ()