Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:39 (GMT +7)
Chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên
Thứ 5, 02/03/2023 | 08:01:06 [GMT +7] A A
Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước. Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn hằng năm đều liên quan đến lĩnh vực này. Vì vậy, tỉnh luôn chú trọng công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Để sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác đo đạc bản đồ địa chính; từng bước đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh vào sử dụng. Các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng số hóa thông tin, lưu trữ tập trung bằng phần mềm để thuận tiện công tác quản lý, vận hành, khai thác sử dụng, theo dõi tình hình thực hiện các dự án có sử dụng đất, mặt nước trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh, các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức rà soát, xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật; thông qua đó, xác định các dự án chậm tiến độ cần đôn đốc, cam kết tiến độ, xử lý thu hồi đất đối với các dự án vi phạm theo quy định. Các dự án vi phạm chưa có quyết định giao đất thì thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư, hủy bỏ quy hoạch, hủy bỏ địa điểm nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2022, tỉnh cho 29 tổ chức thuê 262,09ha đất; giao 857,44ha đất cho 36 tổ chức; gia hạn thời gian sử dụng 449,77ha đất cho 30 tổ chức; thu hồi 959,28ha đất của 13 tổ chức; thông báo hết hạn sử dụng đất cho 28 tổ chức để hoàn thiện thủ tục gia hạn hoặc trả đất theo quy định của pháp luật đất đai; ký 60 hợp đồng thuê đất, bao gồm cả ký lại do điều chỉnh đơn giá thuê đất. Tỉnh cũng đã phê duyệt giá đất cụ thể 35 dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB và thu ngân sách nhà nước.
Để chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất đai, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm, kịp thời các vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều; Dự án khu đô thị Hạ Long xanh (TP Hạ Long, TX Quảng Yên); Dự án CCN Phương Nam (TP Uông Bí)...
Tỉnh tăng cường thực hiện tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước; khai thác, sử dụng khoáng sản, điện năng. Riêng năm 2022, UBND tỉnh đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 17 giấy phép thuộc các lĩnh vực tài nguyên nước, lĩnh vực khoáng sản; ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Quyết định phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước để triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp mặt bằng khu vực đồi tại thôn 7, xã Hải Tiến và khu vực đồi tại khu 7, phường Hải Yên (TP Móng Cái); điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho một số công ty trên địa bàn.
Với tài nguyên nước, tỉnh phê duyệt chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt các hồ, đập do đơn vị quản lý, khai thác; chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH 1TV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh điều chỉnh đề cương dự toán nhiệm vụ: Lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước tại các công trình hồ chứa, đập dâng, kênh thủy lợi.
Xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong giải pháp hiệu quả trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Dự án điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải với ngành than, tro xỉ thải với ngành nhiệt điện và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp; từ đó đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp.
Qua điều tra bước đầu cho thấy, hằng năm, các mỏ than trên địa bàn đã đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ hiện nay khoảng hơn 2,1 tỷ m3; chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 49.000 tấn; các cơ sở sản xuất nhiệt điện trên địa bàn phát sinh khoảng 7,6 triệu tấn tro xỉ. Các cơ quan chức năng cũng đã rà soát, xác định 32 vị trí các bãi thải mỏ có thể khai thác, thu hồi đất đá làm vật liệu san lấp với trữ lượng gần 1 tỷ m3 đưa vào phương án bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh để đáp ứng nhu cầu lớn vật liệu san lấp trên địa bàn.
Đến nay, đã có 4 trường hợp trên địa bàn tỉnh được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi với tống khối lượng khoảng 12,4 triệu m3 đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp; 16% lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh được tái chế, tái sử dụng hoặc thu hồi năng lượng; 20% tro xỉ phát sinh từ các cơ sở nhiệt điện được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và được các đơn vị chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để làm phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.
Quảng Ninh đang tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo vệ môi trường; kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()