Tất cả chuyên mục

Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, năm 2015, Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) với nhiều giải pháp đồng bộ, nên đã đạt hiệu quả rõ nét trên nhiều mặt. Đáng chú ý là từ những thành công bước đầu của Quảng Ninh trong việc tiên phong xây dựng và vận hành các trung tâm hành chính công (HCC), Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thí điểm thành lập Trung tâm HCC tỉnh Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được trước đó, năm 2015, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đơn giản hoá quy trình thực hiện một số thủ tục hành chính (TTHC) liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp và liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Cũng trong năm nay, toàn bộ các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, phục vụ đắc lực cho công tác CCHC. Triển khai các công việc nêu trên, quy trình thực hiện một số TTHC liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước được đơn giản hoá tối đa, thái độ và tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cán bộ, công chức được nâng cao, tạo thuận lợi rất nhiều cho các tổ chức, cá nhân khi làm TTHC.
![]() |
Các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp toạ đàm về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện tại hội nghị cùng chủ đề do huyện Bình Liêu tổ chức ngày 18/9/2015. |
Trung tâm HCC tỉnh và 14/14 trung tâm HCC các huyện, thị xã, thành phố từ khi được đưa vào vận hành đều đã hoạt động ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Số TTHC được thực hiện tại các trung tâm đạt tỷ lệ cao; 14/15 trung tâm đã đưa được 100% TTHC vào thực hiện. Số hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao (cấp tỉnh đạt 99,52%, cấp huyện đạt 99,6%). Tỷ lệ hài lòng của công dân về dịch vụ HCC đạt trên 98%. Thủ tục được thẩm định và phê duyệt tại trung tâm đạt 96%. Bà Đoàn Thị Bồn ở phường Nam Khê, TP Uông Bí khi đến Trung tâm HCC tỉnh làm hộ chiếu đã có phần ngạc nhiên khi được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện đến vậy. “Tôi cứ nghĩ là phải lâu hơn cơ, nhưng từ khi đến nhận phiếu, chụp ảnh, điền vào mẫu, chừng nửa tiếng sau là tôi đã có thể ra về và chỉ việc ở nhà chờ mấy hôm để bên ngành Bưu chính chuyển trực tiếp hộ chiếu đến nhà chứ không phải quay lại đây lấy nữa. Quả là rất thuận tiện”, bà Đoàn Thị Bồn phấn khởi cho biết.
Đáng chú ý nữa là, trong năm nay, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở và cấp huyện với mục tiêu cải thiện chất lượng điều hành của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Điều này đã tạo sự cạnh tranh, thi đua quyết liệt của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thuận lợi cho nhà đầu tư. Có thể thấy rõ điều này thông qua việc một loạt các địa phương như TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu… đã tổ chức hội nghị công bố các quy hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị của huyện Bình Liêu được tổ chức ngày 18-9-2015, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp khoa học du lịch phát triển bền vững; bà Nguyễn Ngọc Lan, chuyên gia cao cấp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao việc huyện Bình Liêu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực trong CCHC, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tuy chưa phải là địa phương bị chấm điểm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện nhưng huyện Bình Liêu đã chủ động tiến hành các công việc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương trong việc CCHC, tạo sự đột phá để vươn lên. Và kết quả là ngay tại hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư, đã có 14 doanh nghiệp ký kết với UBND huyện bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Để góp phần đẩy mạnh CCHC, Cổng thông tin điện tử tỉnh với 70 cổng thành phần, liên kết 19 website, liên tục cập nhật các TTHC giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và làm TTHC. Đến nay, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã cung cấp 1.268 dịch vụ công trực tuyến (cấp tỉnh 1.028, cấp huyện 183, cấp xã 75). Trên 90% văn bản hành chính trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện qua môi trường mạng, trong đó 100% văn bản có sử dụng chữ ký số, đạt hiệu quả trong xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí và các lợi ích khác.
Hiệu quả của CCHC đã góp phần làm cho một số chỉ tiêu chính về môi trường kinh doanh của tỉnh được cải thiện đáng kể. Dự kiến đến hết năm nay, cơ bản các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng; 97,78% doanh nghiệp thực hiện thông quan điện tử (mức trung bình ASEAN là 95%); thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm còn 3 ngày (quy định là 7 ngày)… Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2014 tăng 9 bậc so với năm 2013, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Với sự kiện Thủ tướng Chính phủ mới đây ra quyết định thí điểm thành lập Trung tâm HCC tỉnh Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh, dự báo nhiều khả năng chỉ số này của tỉnh năm 2015 sẽ tiếp tục được cải thiện.
Ngọc Hà
Năm 2015, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các TTHC. Đến nay, tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh còn 1.534, giảm 201 TTHC ở 3 cấp so với Đề án 30 năm 2010. Trong đó, cấp tỉnh còn 1.276 TTHC (giảm 100), cấp huyện còn 183 TTHC (giảm 46), cấp xã còn 75 TTHC (giảm 55). Thời gian giải quyết TTHC trung bình giảm 40% so với quy định của Trung ương. (Nguồn: Báo cáo số 235/BC-UBND ngày 30-11-2015 của UBND tỉnh) |
Ý kiến ()