Tất cả chuyên mục

Mặc dù năm 2019 có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cùng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo.
![]() |
Quảng Ninh tổ chức khánh thành, đưa trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào sử dụng. |
Kinh tế tiếp tục phát triển, tăng trưởng cao
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2019, UBND tỉnh nêu rõ: Bên cạnh những thuận lợi của đà tăng trưởng cao năm 2018, hiệu quả sau đầu tư của các dự án hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ, đô thị; hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Than có nhiều khởi sắc... Quảng Ninh cũng gặp phải những khó khăn chung. Trong đó dịch tả lợn châu Phi đã tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi và hoạt động sản xuất của khu vực nông nghiệp; kinh tế biên mậu gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc thắt chặt quản lý, kiểm soát về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, công tác điều hành, cải cách kinh tế của tỉnh đã bộc lộ không ít điểm sáng, tạo nên những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2019 của Quảng Ninh ước tăng 12,1%, vượt 0,5 điểm % so chỉ tiêu nghị quyết và kịch bản đề ra (11,6%), là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 44.030 tỷ đồng, tăng 12,6% so với dự toán Trung ương giao, trong đó thu nội địa đạt 33.530 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng 10% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) ước đạt 185.543 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 6.131USD/người/năm, tăng 9,7% cùng kỳ. Năng suất lao động xã hội bình quân ước đạt 248,9 triệu đồng/người, tăng 23,8 triệu đồng so với cùng kỳ. Song song với đó, hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhất là khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng cao. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, cơ cấu kinh tế so với cuối năm 2018: Nông - lâm - thủy sản 6,02% (giảm 0,47%); công nghiệp - xây dựng 48,10% (tăng 0,25%); dịch vụ 45,88% (tăng 0,22%).
Năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt thấp, chỉ tăng 0,6%. Tuy nhiên, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, trọng tâm là ngành công nghiệp khai khoáng (tăng 11,9%), công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 13,1%), dịch vụ vận tải kho bãi (tăng 16,1%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 15%)... Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 12,1%, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP của Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh.
Trong năm 2019, tỉnh cũng tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả; ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tạo được niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đã nghiên cứu mở rộng, hợp tác đầu tư vào Quảng Ninh, như Vingroup, Sun Group, FLC, Thành Công, Amata, TH True milk, Foxconn....
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2019 ước đạt 76,4 nghìn tỷ tăng 11,3% cùng kỳ, chiếm 41,2% GRDP. Trong đó, vốn nhà nước 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 30%, tăng 4,5%; vốn ngoài nhà nước 48 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,8%, tăng 14,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,2%, tăng 11,5% cùng kỳ. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Tập trung cho an sinh xã hội
Song song với các giải pháp phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng tiếp tục quan tâm, cải thiện chất lượng công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa thông tin.
Các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng chi an sinh xã hội năm 2019 của tỉnh ước đạt 2.289 tỷ đồng, tăng 24,4% cùng kỳ. Tỉnh cũng xây dựng quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh; tiêu chí nâng chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đa chiều, áp dụng đến năm 2020 đối với 3 địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1,2% năm 2018 xuống còn 0,56% năm 2019 (giảm 0,64%, vượt 0,24% kế hoạch).
![]() |
Hội Nông dân tỉnh trao gà giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Ảnh: Ngọc Lợi (CTV) |
Chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất cho giáo dục, đào tạo được tăng cường, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 84,03%, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90,05%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được chú trọng; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo đạt 99,58% (trong đó 60,67% đạt trên chuẩn). Ngành giáo dục cũng đã triển khai 3 dự án thuộc Đề án thành phố thông minh.
Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng cung cấp các dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế được cải thiện. Tỉnh cũng tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm y tế các địa phương: Cẩm Phả, Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô. Các cơ sở y tế cũng đưa vào sử dụng 140 kỹ thuật mới. Trong năm, ngành y tế đã tổ chức khởi công xây dựng mới Bệnh viện Lão khoa tỉnh; giao thực hiện cơ chế tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên cho 9 đơn vị sự nghiệp, tăng 2 đơn vị so với năm 2018. Các chỉ tiêu chương trình mục tiêu về y tế được triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch. Đặc biệt là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,2%; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 14,7 bác sĩ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 54,6 giường bệnh; tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý ước đạt 100%; lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân đạt 97,61%.
Các lực lượng chức năng, các địa phương đã chủ động kiểm tra, giám sát và tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát hiện, xử lý 2.544 cơ sở vi phạm, phạt tiền 1.796 cơ sở, tổng số tiền 4,1 tỷ đồng; trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người (trên 30 người).
Các hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí, phát thanh truyền hình không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời tuyên truyền đúng trọng tâm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh.
Nhìn lại năm qua, trong bối cảnh những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả rất đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã khẳng định sự hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự quyết liệt trong điều hành của UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân. Kết quả này cũng khẳng định thêm niềm tin vào sự thành công của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020.
Bảo Bình
[links()]
Ý kiến ()