Tất cả chuyên mục

Kết thúc năm 2018, Quảng Ninh đạt được những kết quả rất đáng mừng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây là đòn bẩy quan trọng để ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục có những bứt phá trong năm 2019.
(Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)
[links()]
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT |
- Ông nhận định gì về những thuận lợi, khó khăn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong năm 2019?
+ Năm 2019, sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh dự báo đối mặt với khó khăn về biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ chưa ổn định... Tuy nhiên, cũng có nhiều thuận lợi từ những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2018. Cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng, từ trồng trọt sang chăn nuôi, phát triển kinh tế thủy sản. Trong đó, ưu tiên canh tác các loại cây có giá trị kinh tế và các cây trồng làm thức ăn cho chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, các đối tượng chủ lực; nuôi trồng thủy sản tăng nhanh diện tích nuôi thâm canh, công nghiệp; khai thác thủy sản theo hướng xa bờ, khai thác gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản được tăng cường.
Năm 2018, các chỉ tiêu cơ bản của ngành vượt so với năm 2017. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản tăng 6,1%; tổng sản lượng lương thực tăng 2%; tổng đàn chăn nuôi tăng 3,5%... Qua đó, nền sản xuất phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng ngành đạt mức khá 4,02%, tăng 0,62% so với năm 2017... Đây sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để khuyến khích, thúc đẩy toàn ngành tạo được những đột phá trong năm 2019.
![]() |
Mô hình sản xuất rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều) được khuyến khích phát triển theo hướng sản xuất gắn với du lịch. |
- Mục tiêu ngành Nông nghiệp đề ra trong năm 2019 là gì, thưa ông?
+ Chiến lược phát triển của toàn ngành trong năm 2019 là tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra, trong đó duy trì giá trị tăng thêm toàn ngành từ 3-5%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54,5%; tổng sản lượng lương thực đạt 228.800 tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt 127.000 tấn (khai thác 64.000 tấn, nuôi trồng 63.000 tấn)...
Ngành sẽ tập trung phát triển trọng tâm vùng trồng rau, hoa và cây ăn quả có lợi thế; đồng thời, sản xuất chuyển từ số lượng sang chất lượng, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Chăn nuôi sẽ phát triển đàn gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, tập trung theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng các dự án trọng điểm; phát triển vùng chăn nuôi tập trung lợn Móng Cái, gà Tiên Yên.
Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nuôi biển công nghiệp, mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi các đối tượng hải, đặc sản, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, xây dựng và phát triển các cơ sở chế biến thủy sản kết hợp với du lịch...
Về lâm nghiệp, tập trung thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiên trồng mới, trồng bổ sung rừng các loại; bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng hiện có; trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; phát triển vùng trồng cây dược liệu, vùng trồng thông nhựa...
![]() |
Phần lớn diện tích trồng vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) sẽ được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2019. |
- Chủ đề công tác năm 2019 của tỉnh là “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”, ngành Nông nghiệp có những hoạt động gì để góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề này, thưa ông?
+ Ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó các hoạt động sản xuất chính là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp đều được chú trọng phát triển tập trung; nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, sinh học, ứng dụng công nghệ cao... tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP trên cơ sở các nguyên liệu nông sản của tỉnh; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu và quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi; triển khai phát triển 6 sản phẩm, chuỗi sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia, 12 sản phẩm, chuỗi sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu các sản phẩm, chuỗi sản phẩm cấp quốc gia và cấp tỉnh như cây ba kích, trà hoa vàng, miến dong... Khuyến khích nhân rộng hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, đặc biệt là đối với các đơn vị đã có thương hiệu như khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, khu nông nghiệp hữu cơ của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều).
Bên cạnh đó, ngành chú trọng thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản phát triển, kêu gọi đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ thuê môi trường rừng, triển khai các dự án động lực về thủy sản, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống tại Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn...
- Trân trọng cảm ơn ông!
![]() |
Năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP trên cơ sở các nguyên liệu nông sản của tỉnh. |
Việt Hoa
(Thực hiện)
Ý kiến ()