Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 16:46 (GMT +7)
Tiếp tục nâng cao toàn diện đời sống nông dân theo tiêu chí của “hạnh phúc”
Chủ nhật, 05/03/2023 | 10:12:00 [GMT +7] A A
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Trong đó, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của “hạnh phúc”.
Theo đó, tỉnh xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của tỉnh và các địa phương. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống cư dân nông thôn, nhât là vùng đồng bào dân tộc thiểu sô, miền núi, biên giới, hải đảo.
Trên hành trình “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc" này, Quảng Ninh tiếp tục xác định người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của “hạnh phúc”. Nông dân Quảng Ninh phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, có trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, được tiếp cận các dịch vụ của đô thị. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp.
Nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, khác biệt cùa từng vùng, từng địa phương. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, cấp huyện có 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bằng 71,4% số huyện trên địa bàn tỉnh (tăng 3 huyện so với năm 2022 là Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà). Về cấp xã, phấn đấu có 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bằng 59,1% số xã trên địa bàn tỉnh (tăng 4 xã so với năm 2022), có 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bằng 32,6% số xã trên địa bàn tỉnh (tăng 6 xã so với năm 2022). Về cấp thôn, phấn đấu có 367/458 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 80% số thôn thuộc các xã khu vực biến giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (tăng 87 thôn so với năm 2022).
Đặc biệt, tỉnh phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020 (Theo Cục Thống kê Quảng Ninh, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 46,1 triệu đồng/người).
Nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào các giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với đô thị hóa; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình…
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()