4
18
/
1100306
Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo
longform

Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 -2021), sáng 16/11, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của tỉnh. Dự, phát biểu chúc mừng các thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của ngành giáo dục là: Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới. Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Hôm nay, trong không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi cùng cả nước hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, toàn tỉnh đang nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước hoàn thành toàn diện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quan tâm chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số. Đặc biệt, trong niềm vui chiến thắng của em Nguyễn Hoàng Khánh tại vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đưa Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất trong cả nước có đến 3 thí sinh nhà vô địch Olympia. Tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này; thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi thân ái gửi đến các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo có mặt hôm nay, cùng các thế hệ nhà giáo trên các vùng miền trong tỉnh, các em học sinh, sinh viên lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kể từ năm học 2020 - 2021 đến nay, chưa bao giờ ngành Giáo dục đào tạo, các em học sinh sinh viên, các thầy cô giáo lại có nhiều khó khăn, thách thức, vất vả như hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra. Song cũng chưa khi nào, nhà giáo, nhà trường ở tỉnh ta lại chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông một lần và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm nhất cả nước… mang lại niềm tin và hạnh phúc cho Nhân dân, các bậc phụ huynh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, chúc mừng em Nguyễn Hoàng Khánh, nhà Vô địch Olympia năm thứ 21.


Mang trong mình sứ mệnh vẻ vang và đáng tự hào; bằng tất cả tình yêu ngành, yêu nghề, yêu quê hương, đất nước, với tấm lòng “Tất cả vì học sinh thân yêu”; ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào các thế hệ thầy giáo, cô giáo vẫn đã và đang hàng ngày, hàng giờ miệt mài với từng trang giáo án, trăn trở với từng bài giảng, đem lại những tinh hoa kiến thức cho đời, vun đắp hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Đây chính là sự lý giải vì sao nhân dân ta luôn hướng về các thầy, cô giáo với lòng thành kính, biết ơn; cũng là nguồn cội làm nên truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, hay “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

Nhiều thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nỗ lực vượt khó vươn lên hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ, là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, biên giới, hải đảo. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tỉnh ta ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý; trong đó, chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã góp phần quyết định thành quả của sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong những năm qua: Chất lượng giáo dục phổ thông được cải thiện nâng cao; Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, Olympic của học sinh Quảng Ninh đạt được thành tích rất đáng tự hào. Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện, động viên thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long.

Trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do dịch bệnh COVID-19 gây ra, ngành Giáo dục và đào tạo toàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nhà giáo âm thầm, tận tâm, hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp “trồng người” càng sáng lên tấm gương đạo đức của nghề giáo - “nghề cao quý trong các nghề cao quý” như lời của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; để lại tình cảm, dấu ấn sâu đậm trong đời sống xã hội và nhân lên sức mạnh niềm tin của nhân dân đối với ngành Giáo dục.

Nhân cuộc gặp mặt xúc động và nhiều ý nghĩa này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn, tri ân sâu sắc sự cố gắng, nỗ lực và cống hiến của các thầy cô giáo, của ngành Giáo dục - đào tạo tỉnh thời gian qua.

Trong mọi giai đoạn lịch sử Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đối với tỉnh ta, trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp trồng người, coi trọng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Trong đó, rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Trong mọi hoàn cảnh, tỉnh Quảng Ninh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành giáo dục - đào tạo với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, từng bước đi, chính sách của địa phương; dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn; quan tâm, chăm lo con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Trường THPT Chuyên Hạ Long. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh; thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Hằng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho học sinh tại Trường Tiểu học Hạ Long.


Trong khó khăn, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021 - 2022. Đặc biệt, xuyên suốt, nhất quán trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 suốt 02 năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định học sinh là đối tượng phải “bảo vệ trọng điểm”. Nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời, qua 4 đợt dịch, nhất là làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 với biến chủng mới Delta diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nguy hiểm, gây hậu quả nặng nề về nhiều mặt trên phạm vi cả nước; nhưng trên quê hương Quảng Ninh, mọi người dân vẫn có được niềm vui, niềm hạnh phúc được sống trong “vùng xanh” an toàn; tất cả các em học sinh hồn nhiên, vô tư, nô nức phấn khởi được đến trường ngày khai giảng năm học mới trong khi nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, thầy cô và các em học sinh nhiều nơi đã không thể đến lớp vào mùa tựu trường, không thể tổ chức khai giảng trực tiếp.

Đến nay, ở tỉnh ta, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo năm 2020 là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 545 trường (đạt tỷ lệ 85%), tăng 161 trường so với năm 2015, trong đó có 66 trường được đầu tư phòng học thông minh. Giữ vững và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3. Đặc biệt năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2020 (sớm hơn 5 năm so với kế hoạch). Giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực, nhiều học sinh đạt huy chương tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Tăng cường phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% (năm 2015) lên 85% (năm 2020), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.. Đại hội XIII khẳng định giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục.

An toàn sức khỏe của học sinh, trẻ em là yếu tố được Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới, ở khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong mùa Đông năm nay. Chiếm tới 1/4 dân số của tỉnh, học sinh, đặc biệt là học sinh dưới 12 tuổi là đối tượng chưa tiêm vắc xin, xác định là một trong những đối tượng “bảo vệ trọng điểm” mà tỉnh trăn trở nhiều nhất. Thực hiện Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt đang đặt trách nhiệm, áp lực nặng nề hơn đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong từng tiết học, mỗi buổi lên lớp, mỗi ngày tới trường an toàn của các em học sinh. Trong khi đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhà giáo vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị ngành Giáo dục, đào tạo và các cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, ngành Giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo tiếp tục khai thác có hiệu quả từ sự quan tâm, hỗ trợ để đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất; lấy người học là trung tâm, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học. Tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh giúp cho người học vừa học chữ, học nghề, vừa học làm người, tìm được động lực, động cơ học tập đúng đắn. Giữ vững thành quả đã đạt được, nâng cao căn bản chất lượng dạy và học trong toàn ngành giáo dục, phấn đấu Quảng Ninh sớm lọt vào nhóm địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh. Trong giai đoạn 2020 - 2030; kiên trì phấn đấu nỗ lực vượt bậc để đứng trong Top 10 các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục và đào tạo tốt nhất cả nước.

Tạo môi trường sư phạm lành mạnh, giúp học sinh hình thành nhân cách, tìm được động cơ, mục đích, động lực học tập đúng đắn.

Hai là, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Chúng ta đều biết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chí của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống giáo dục để khai thác yếu tố tích cực, vượt qua thách thức và đào tạo ra “công dân toàn cầu” nhằm đưa đất nước và tỉnh Quảng Ninh phát triển. Yêu cầu của sản phẩm giáo dục càng cao thì tiêu chí của người thầy càng phải được nâng lên. Nhằm giáo dục con người toàn diện (đức, trí, thể, mỹ), nhà giáo ngoài việc là điển hình của phương thức tiếp cận giáo dục và kỹ năng đào tạo hiện đại thì vẫn phải lưu giữ và phát huy tính điển hình của mẫu người toàn diện, tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ của thời kỳ hội nhập và phát triển. Chuẩn mực đạo đức của nhà giáo có tác động lớn tới chuẩn mực đạo đức của xã hội. Người cán bộ quản lý giáo dục ngoài tiêu chuẩn chung của nhà giáo phải là người có kiến thức quản trị hiện đại, quản trị sự thay đổi, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, biết cách làm, làm có hiệu quả, vì lợi ích chung. Tôi mong muốn mỗi thầy cô giáo nêu cao hơn nữa tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo để sáng tạo ra các hình thức dạy học, phương thức dạy học phù hợp với trạng thái bình thường mới; có những tiết dạy, bài giảng tốt nhất đáp ứng mong đợi của mỗi học trò cũng như phụ huynh và toàn xã hội. Giữa khó khăn bộn bề, mong mỗi thầy cô luôn giữ khí thế thi đua “dạy tốt, học tốt” để sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp như lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” không bị gián đoạn, bị ảnh hưởng chất lượng trước bất cứ thử thách nào.

Ngành Giáo dục Quảng Ninh tiếp tục thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”.



Ba là, với phụ huynh học sinh, chưa bao giờ mỗi phụ huynh, mỗi gia đình học sinh phải thực sự xứng đáng là một “pháo đài” phòng, chống dịch như bây giờ, chỉ có nơi gia đình an toàn mới có nơi an toàn cho học sinh khi ở trường, nhất là học sinh dưới 12 tuổi chưa thể tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; có lẽ chưa bao giờ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và học sinh trong việc đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an toàn học cho học sinh như bây giờ; và hơn lúc nào hết rất cần ở nhà giáo, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý tinh thần trách nhiệm, sự sâu sát, cụ thể hằng ngày trong từng tiết học, buổi học như lúc này. Chỉ một phút lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu sự sâu sát có thể chúng ta đánh mất hết mọi thành quả phòng chống dịch.

Bốn là, đối với các cháu học sinh, tôi mong rằng các cháu học sinh luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, chăm ngoan học giỏi, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, giữ bản thân an toàn trước đại dịch; là những công dân tốt, đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước mai sau. Học sinh, sinh viên toàn tỉnh phải là những người gương mẫu nhất ở trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” và là tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng.

Năm là, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội dành sự quan tâm, chăm lo cụ thể nhiều hơn nữa tới sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh nhà; cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo chủ trương của Đảng: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt… thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện theo lộ trình; tạo động lực để nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nỗ lực trong việc nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhân dịp 20/11, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục của toàn tỉnh. Mong muốn và tin tưởng mỗi thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục tự hào hơn nữa với ngành, với nghề để nhắc nhủ mình càng phải có bổn phận lớn hơn, trách nhiệm cao hơn với học trò, với quê hương, đất nước; không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực vượt bậc, hoàn thành trọng trách cao cả, vô cùng vinh quang nhưng rất gian nan, vất vả của sự nghiệp “trồng người”; xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và của toàn xã hội.