Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:53 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong cơ quan hành chính nhà nước
Thứ 7, 19/03/2022 | 06:59:41 [GMT +7] A A
Trong tiến trình chuyển đổi số đang được tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, các thành quả của Chính quyền điện tử (CQĐT) vẫn được tỉnh coi là nền tảng cơ bản nhất cho những nội dung chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Từ năm 2012, tỉnh đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng CQĐT với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp. Đồng thời, tỉnh cũng là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng Dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp 1.647 TTHC, trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 285 thủ tục, mức độ 4 là 1.086 thủ tục.
Để đạt được những con số trên, tỉnh đã nỗ lực đầu tư rất mạnh, đồng bộ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tạo lập được một kết cấu hạ tầng vững chắc, được thể hiện rõ qua việc 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống CQĐT của tỉnh; 100% CB,CC,VC trong các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính kết nối internet để thực hiện công việc, được cấp tài khoản công chức điện tử và cơ bản sử dụng thành thạo các tiện ích do hệ thống CQĐT cung cấp; trên 98% văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% TTHC từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh...
Để tiếp tục hoàn thiện và lấy hệ thống chính quyền điện tử làm đòn bẩy cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện, tỉnh đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% TTHC ban hành mới sẽ được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả 3 cấp được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% kết quả giải quyết TTHC được ký số và trả cho người dân trên môi trường số; 100% cơ quan khối Đảng và Nhà nước liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến xã (trừ các nội dung mật) và có hạ tầng để triển khai họp trực tuyến… Đồng thời, tỉnh cũng đặt ra quyết tâm sẽ đảm bảo hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT) phục vụ triển khai mô hình đô thị thông minh tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Đặc biệt, xác định việc hạ tầng và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước chỉ đạt được hiệu quả tối đa khi có sự quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả của đội ngũ CBCCVC, người lao động, tỉnh cũng hết sức chú trọng đến việc xây dựng nguồn nhân lực CNTT. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2022, 100% người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để có nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định; đào tạo 100 cán bộ nòng cốt về chuyển đổi số của tỉnh. Định kỳ hằng năm, 100% CBCCVC, người lao động trong cơ quan nhà nước được tham gia đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; tối thiểu 50% CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng đến nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu quan trọng gồm: Đất đai, CBCCVC, y tế, giáo dục, quy hoạch, du lịch, đầu tư công, giao thông. Các cơ sở dữ liệu nền tảng khác và chuyên ngành gồm: Tài nguyên, môi trường; công nghiệp - năng lượng; tài chính; văn hóa; xây dựng; xúc tiến đầu tư; tư pháp… và hạ tầng dữ liệu không gian cấp tỉnh sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Minh Hà
Ý kiến ()