Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Tiếp tục đưa công tác CCHC ngày càng thực chất, hiệu quả
Thứ 4, 08/06/2022 | 14:04:42 [GMT +7] A A
Mục tiêu, quan điểm về cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 được Chính phủ nhấn mạnh là phải tạo ra được bước đột phá, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp, để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Xác định rõ điều đó, Quảng Ninh đã dồn tâm sức, quyết tâm tạo đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa khống chế dịch tốt, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Theo đó, trong năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, thực thi văn bản pháp luật; thi hành pháp luật nghiêm minh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng; đảm bảo kết nối dữ liệu giải quyết TTHC trên môi trường điện tử bằng việc số hóa kết quả giải quyết TTHC đang hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 80%, 70%, 60%; đưa 100% TTHC cấp tỉnh, huyện, xã có đủ điều kiện vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân, để thực hiện hiệu quả mục tiêu của tỉnh về CCHC, nhất là trong tình hình đẩy mạnh chuyển đổi số như hiện nay, với vai trò nòng cốt, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ tập trung triển khai hệ thống hồ sơ số. Trong đó, trọng tâm là số hóa toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC trong tất cả các bước thực hiện, từ tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả cho tổ chức, công dân; xây dựng kho dữ liệu hồ sơ dùng chung để cán bộ và công dân có thể truy cập lưu trữ, khai thác, sử dụng; thiết lập các công cụ thao tác trên kho dữ liệu số để tạo sự thuận tiện trong quá trình thực hiện hồ sơ TTHC.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng cung cấp đa dạng các dịch vụ số hỗ trợ quá trình giải quyết TTHC, như: Dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thông minh, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; dịch vụ bưu chính công ích tích hợp với trang thông tin tra cứu kết quả giải quyết TTHC trên các mạng xã hội, cung cấp thông tin dữ liệu chuyển phát hồ sơ theo thời gian thực; dịch vụ chứng thực điện tử tích hợp ngay trong bước tiếp nhận hồ sơ TTHC... Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử, kết nối với tất cả hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại, các đơn vị thanh toán trung gian, dịch vụ ví điện tử, để người dân có thể lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp nhất, thuận tiện nhất. Phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 100% thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với Trung tâm Phục vụ hành chính công, hiện các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh các giải pháp cải cách, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các TTHC. Đặc biệt là quan tâm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC; tinh thần, trách nhiệm, sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp; hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần.
Tập trung triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp…
Điển hình như tại TP Móng Cái, ngay từ đầu năm, thành phố đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Bao gồm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thành phố thông minh, giúp phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố; sử dụng và khai thác hiệu quả phần mềm quản lý CBCC, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bản, chữ ký số, thư công vụ và các trang thiết bị của Đề án chính quyền điện tử đã được UBND tỉnh bàn giao.
Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; tăng số lượng các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4; nâng cấp hệ thống hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã...
Nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài trong cải cách các TTHC được thành phố xác định là giải quyết cơ bản những tồn đọng về đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; gắn liền với triển khai các dự án hạ tầng động lực, các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, hoàn thiện các quy hoạch phân khu chức năng có tiềm năng lợi thế thu hút nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án...
Cục Hải quan Quảng Ninh cũng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thúc đẩy XNK an toàn. Các đơn vị hải quan đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin (email, điện thoại, tin nhắn SMS, tổ chức đoàn công tác hỗ trợ…) để nắm bắt kịp thời thông tin tình hình hoạt động, cũng như khó khăn, vướng mắc để giải đáp, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Ngoài ra, các tổ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp cục tới các chi cục cũng được kiện toàn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Mới đây, Hải quan Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan trong năm 2022. Trong đó, để cụ thể hóa Quyết định số 75/QĐ-TCHQ ngày 20/1/2022 của Tổng cục Hải quan về phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, tới đây đơn vị sẽ tập trung vào các hoạt động cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành hải quan giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó là các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành hải quan; các điều ước, cam kết quốc tế về tạo thuận lợi thương mại; tình hình XNK theo thị trường, theo ngành hàng; chính sách mới về XNK; biến động của thị trường XNK do tác động của dịch Covid-19.
CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giám sát của người dân, doanh nghiệp và sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp chính quyền, công cuộc CCHC trên địa bàn Quảng Ninh sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()