Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:16 (GMT +7)
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Thứ 2, 23/01/2023 | 07:21:45 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh đã tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh. Từ đó, được Trung ương và các địa phương ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Mạnh dạn đột phá
Ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Tổng Bí thư đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, hơn 10 năm qua đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển...
Để có những kết quả này, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xây dựng, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị với nhiều mô hình mới, đột phá. Trọng tâm là thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015 của Tỉnh ủy về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Tỉnh đã chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm thành công nhiều mô hình mới, như: 100% thôn, bản, khu phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) theo quy trình “Dân tin - Đảng cử”; thành lập Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập các trường có cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; là tỉnh đầu tiên thành lập Đảng bộ Cục Thuế trực thuộc Tỉnh ủy gắn với sắp xếp lại bộ máy; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp... Các mô hình này được thực tiễn chứng minh là phù hợp và hiệu quả.
Song song với đó, các cấp chính quyền tỉnh đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành theo hướng gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ; nâng cao chất lượng thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và trách nhiệm giải trình gắn với người đứng đầu. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách pháp luật về cải cách tư pháp. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, phát huy dân chủ, đổi mới sáng tạo, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu. Nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém, sai phạm được chỉ ra qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra; giữ vững sự ổn định, đoàn kết để phát triển. Không chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, luôn chủ động nhận ra và quyết tâm, quyết liệt giải quyết các mâu thuẫn, thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển.
Cùng với đó, Quảng Ninh đi sâu sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp giảm 229 đầu mối. Trong đó, cơ quan, tổ chức hành chính giảm 140 đầu mối, gồm: 32 phòng thuộc sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh, 5 chi cục, 2 phòng thuộc tổ chức hành chính khác, 2 phòng thuộc tổ chức đặc thù, 55 phòng thuộc chi cục và tương đương, 44 phòng thuộc UBND cấp huyện; Đơn vị sự nghiệp giảm 89 đầu mối, gồm: 44 đơn vị sự nghiệp thuộc khối sở, ngành và 45 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện.
Tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp; đổi mới cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, giải quyết các kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; khắc phục các hạn chế, khuyết điểm qua giám sát.
Đảng bộ tỉnh không ngừng chăm lo củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các cấp ủy luôn nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị, học tập toàn diện kiến thức, tự phê phán nghiêm khắc những mặt non kém, tự chỉnh đốn mình; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm căn cứ đánh giá, thước đo hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá X) "Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị", công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Quảng Ninh được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi công vụ có hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên; nhiều mô hình mới, cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên rõ rệt.
Tiên phong hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính
Từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Theo đó, nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn hơn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực thực hiện theo hướng quyết liệt, hiệu quả, nhất là trong triển khai những chủ trương mới, khó. Dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia những công việc của địa phương; trong góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, xây dựng Đảng, chính quyền; trong tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên.
Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính (CCHC), được Trung ương tin tưởng, gợi mở thí điểm nhiều chủ trương mới. Tỉnh đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có những bước đột phá nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực. Cụ thể là đã xây dựng thể chế tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức, lề lối làm việc, kỹ thuật hành chính và cơ chế vận hành, rèn luyện đạo đức, sửa đổi cách làm việc chống quan liêu lãng phí, tham ô... bảo đảm xây dựng một nền hành chính thực sự của dân, do dân và vì dân. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong cả nước về CCHC - nhiệm vụ được đánh giá là khó khăn, phức tạp vì dễ va chạm, xung đột lợi ích.
Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC, nhằm kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa các thành phần hồ sơ giấy phép không phù hợp, phức tạp, phiền hà, tạo cơ chế xin cho; bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo đảm quy định TTHC đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC. Tỉnh đã tích hợp 100% TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng số lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC, qua đó giúp người dân, tổ chức thuận tiện trong giải quyết TTHC, tiết kiệm thời gian và các chi phí đi lại trong quá trình giải quyết TTHC.
Đẩy mạnh CCHC với tinh thần "Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ", thời gian qua tỉnh tiếp tục nhận được kết quả đánh giá cao về các chỉ số liên quan đến CCHC. Cụ thể, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữ vị trí Quán quân 5 năm liên tiếp (2016-2021); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất toàn quốc 3 năm liên tiếp (2019-2021); Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2021 đứng thứ 2 cả nước. Tỉnh phối hợp với VCCI tổ chức Kỳ họp III, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III); tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 trong khuôn khổ ABAC III, ngày 26/7/2022. Hiệu quả hoạt động của trung tâm hành chính công các cấp tiếp tục được chú trọng, nâng cao.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 59.864 hồ sơ TTHC (tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tiếp nhận mới 58.717 hồ sơ, kỳ trước chuyển sang 1.147 hồ sơ; đã giải quyết 58.665 hồ sơ, trong đó có 58.582 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,9%). Các trung tâm hành chính công cấp huyện tiếp nhận 510.156 hồ sơ TTHC (giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tiếp nhận mới 481.272 hồ sơ, kỳ trước chuyển sang 28.884 hồ sơ; đã giải quyết 481.540 hồ sơ, trong đó 487.563 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,4%). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã tiếp nhận 242.575 hồ sơ TTHC (giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tiếp nhận mới 236.809 hồ sơ, kỳ trước chuyển sang 5.766 hồ sơ; đã giải quyết 236.677 hồ sơ, trong đó 235.502 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,5%).
Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã cung cấp 1.712/1.832 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 1.387 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 75%, tương ứng với 100% TTHC đủ điều kiện; tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt tỷ lệ 70%; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.222 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: 2 năm liên tiếp, dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn nỗ lực dẫn đầu PCI trong 5 năm liên tiếp, 9 năm trong top 5 tỉnh, thành phố nhận được đánh giá về mức độ hài lòng cao từ các doanh nghiệp. Kết quả này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân Quảng Ninh. Điều này đã tạo nên thành công của tỉnh ngày hôm nay, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là bài học cho các địa phương khác nghiên cứu, đổi mới cách làm.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()