Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:41 (GMT +7)
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen
Thứ 6, 25/10/2024 | 14:13:34 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh đang thúc đẩy phát triển kinh tế số, trong đó doanh nghiệp, người dân nhiệt tình hưởng ứng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III đã triển khai thực hiện mô hình Chợ 4.0; 100% chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã quen thuộc với người dân trong tỉnh.
Tại chợ Đồng Văn thuộc khu vực biên giới của huyện miền núi Bình Liêu, quầy hàng nào cũng có bảng mã QR Code để giúp người dân mua bán hàng hóa thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Mạ Thị Vùng, tiểu thương bán thực phẩm tại Chợ Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cho biết: Tài khoản của tôi ngày nào cũng giao dịch từ 10 đến 20 lần, việc giao dịch qua mã QR Code tiện lợi hơn rất nhiều khi không cầm tiền mặt; tôi cũng thường xuyên gửi mã QR Code cho người mua hàng nên việc thanh toán và nhận tiền hàng rất nhanh chóng.
Hiện nay, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.
Cơ quan thuế cũng đẩy mạnh triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, siết chặt quản lý hóa đơn điện tử trong mua, bán vàng bằng cách áp dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, phân loại giao kế hoạch cho công chức thuế quản lý doanh nghiệp, tăng cường giám sát qua hệ thống điện tử, thực hiện thanh tra kiểm tra thuế.
Để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán. Trong đó, hình thức livestream bán sản phẩm OCOP được bà con triển khai mạnh mẽ.
Trong mùa vải chín sớm Phương Nam năm nay, anh Bùi Văn Trà (TP Uông Bí) đã tự thiết kế một góc nhỏ với máy điện thoại, chân máy để livestream bán vải. Theo anh Trà, mặc dù mới đầu có chút tâm lý khi có sự theo dõi của hàng trăm khán giả trực tuyến nhưng dần dần cũng quen và bán được nhiều hàng.
Hiện có trên 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị và sản xuất. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động sử dụng công nghệ số để quản lý và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Anh Trần Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch mở Hạ Long, chia sẻ: Đầu năm 2024, doanh nghiệp đầu tư công nghệ thực tế ảo VR 360 để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các điểm đến, tour, tuyến du lịch khi làm việc khách hàng. Việc được xem trước các điểm đến với độ chân thực cao, cùng với các tour tuyến được xây dựng có lộ trình rõ ràng giúp khả năng thuyết phục được khách hàng chốt dịch vụ cao hơn, bán được nhiều tour hơn, mang đến doanh số cho công ty so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kinh tế số cũng được tỉnh xác định là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn đang gặp phải cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP.
Việt Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()