Tất cả chuyên mục

Những năm qua, từ quyết tâm chính trị và sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành công lớn từ thực hiện ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá và thành công trên chặng đường mới.
Động lực từ hạ tầng đồng bộ
Quảng Ninh cùng với TP Hải Phòng và Hà Nội được xác định là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quảng Ninh cũng nằm trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi, cơ hội để Quảng Ninh có thể phát triển theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Quảng Ninh những năm qua phải vượt qua, đó là phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó hạ tầng giao thông giữ vai trò thiết yếu nhằm thúc đẩy sự kết nối trong nước và quốc tế để phát triển nhanh, bền vững. Với quyết tâm đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV luôn đề ra chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện ba đột phá chiến lược của Đảng. Đặc biệt, trong đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ khi điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã nhanh chóng tìm hướng đi phù hợp, đa dạng hóa hình thức đầu tư và mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai các dự án.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nắm tình hình hoạt động sản xuất của Nhà máy gạch không nung tại TX Đông Triều. |
Từ năm 2015 đến nay, tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đạt trên 36.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư từ xã hội là chủ yếu (chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn ngân sách tỉnh ưu tiên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ GPMB. Đặc biệt, với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, đột phá của hệ thống chính trị, Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Sau nhiều nỗ lực cải cách hành chính và kêu gọi đầu tư, cùng nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2018, tỉnh đã hoàn thành chuỗi các công trình giao thông mang tính động lực trong kết nối vùng và quốc tế, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Cùng với đó, tỉnh đã thu hút đầu tư nhiều dự án lớn mang tầm quốc tế của các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Sun Group, Vingroup, FLC... theo các quy hoạch chiến lược mà tư vấn hàng đầu thế giới đã tư vấn cho tỉnh (McKinsey, BCG của Mỹ; Nikken Sekkei, Nippon Koei của Nhật Bản...).
Trong đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh cũng ưu tiên có cơ chế ưu đãi để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng trường học, lưới điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Tỉnh đã linh hoạt dành nguồn ngân sách bù chênh lệch lãi suất của ngân hàng để Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư kết cấu hạ tầng điện lưới quốc gia đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo của tỉnh. Với những nỗ lực đó, Quảng Ninh đã hoàn thành đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia khu vực nông thôn trong năm 2012; hoàn thành dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô trong năm 2013 và đến các xã đảo của Vân Đồn vào năm 2014; xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà năm 2016. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 các thôn dưới 20 hộ cũng được sử dụng điện lưới quốc gia và năng lượng mặt trời; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh đạt gần 100%.
Đối với hạ tầng đô thị, tỉnh đã huy động nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa cho công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị và đạt được thành tựu quan trọng. Đến nay, Hạ Long đã trở thành đô thị loại I mang tính hiện đại; các TP Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí là đô thị loại II; đến năm 2020, TX Đông Triều và Quảng Yên phấn đấu trở thành đô thị loại III. Đến nay, Quảng Ninh là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa lớn nhất cả nước (chiếm trên 65%).
![]() |
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - cảng hàng không tư nhân đầu tiên trong cả nước, khánh thành cuối tháng 12/2018. |
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh cũng huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch gắn với các khu vui chơi, giải trí. 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt trên 56.000 tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm đã hình thành, tạo sự khác biệt và thương hiệu cho Quảng Ninh, như: Trung tâm văn hóa lễ hội dịch vụ Khu di tích danh thắng Yên Tử; Công viên Sun World Hạ Long; Cáp treo Nữ Hoàng; khu du lịch tại cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên, TX Đông Triều; Trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí Vincom center Hạ Long; khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; khu du lịch đảo Tuần Châu; quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long...
Điển hình là TP Hạ Long, trong vòng 3 năm trở lại đây có 29 dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác chỉnh trang và giải quyết tốt những tồn tại bất cập của đô thị trong thời gian dài, nổi bật là các dự án: Tuyến đường 10 làn xe từ nút Minh Khai đến đường Hoàng Quốc Việt, đang triển khai nâng cấp tuyến 8 làn xe từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Bãi Cháy; hạ ngầm đường điện, viễn thông và lắp đặt chiếu sáng đô thị; chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực ven hồ điều hoà Ao Cá Kênh Đồng, Bãi Cháy; mở rộng, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo, nút giao thông Loong Toòng, QL18A; cải tạo chỉnh trang đường Nguyễn Văn Cừ... TP Hạ Long đang khoác lên mình một “chiếc áo” mới hoàn toàn về cảnh quan, không gian đô thị của một đô thị hiện đại, bền vững. Hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, như: Khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà, Cái Lân, Amata, Sông Khoai, Khu phụ trợ ô tô Thành Công…
![]() |
Quần thể nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long là một trong những sân golf đẹp nhất Việt Nam. |
Song song với đó, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, nổi bật: Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh; nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ cùng các công trình phụ trợ thuộc Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc; Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao dân tộc vùng Đông Bắc tại huyện Tiên Yên, nâng cấp Sân vận động Cẩm Phả để thi đấu quốc tế…
Cũng trong 5 năm qua, tỉnh hoàn thành xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, chuyên khoa lao, tâm thần, tim mạch, ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi... với tổng đầu tư 3.844 tỷ đồng...; đồng thời xã hội hóa đầu tư Bệnh viện Quốc tế Vinmec.
Đồng bộ kết cấu hạ tầng đã và đang mang lại diện mạo mới cho tỉnh, là nền tảng và động lực để Quảng Ninh tiếp tục thu hút đầu tư, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tạo đột phá cải cách hành chính
Bám sát 6 nội dung chương trình cải cách hành chính, tỉnh đã quyết tâm triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hình thành trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, kết nối một cửa điện tử hiện đại cấp xã. Hiệu quả bước đầu tỉnh đã vận hành đồng bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và đồng bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã, góp phần phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương và thuận tiện trong nghiên cứu, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh xuống cơ sở một cách nhanh nhất...
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trò chuyện cùng thầy cô, sinh viên Trường Đại học Hạ Long. |
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. 3 năm gần đây, tỉnh liên tiếp giữ vị trí nhóm đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX). Năm 2017, Quảng Ninh xếp thứ 1/63 về Chỉ số PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời đứng ở vị trí thứ 1/63 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Điều đáng mừng, năm 2018 Quảng Ninh là một tỉnh của Việt Nam được vinh danh, đón nhận giải thưởng ASOCIO công nhận về Chính quyền số. Đây là giải thưởng CNTT uy tín hàng đầu, có ảnh hưởng rất lớn trong ngành CNTT trong khu vực, được trao hàng năm cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO, châu Á - châu Đại Dương.
Đột phá về nguồn nhân lực
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong nước và nước ngoài từ nguồn ngân sách tỉnh đáp ứng chuyển dịch kinh tế, tăng nhanh dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh đã thành công từ việc đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng và Đề án 25... Từ đó chứng minh năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng không ngừng nâng lên; đội ngũ CBCC có sự chuyển biến mạnh mẽ về phong cách làm việc, năng lực, trình độ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với ý thức phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Tuy nhiên, nhìn nhận lại quá trình triển khai, tỉnh xác định nguồn nhân lực hiện vẫn còn những "nút thắt", đó là thiếu nhân lực chất lượng cao, nhân lực có trình độ ngoại ngữ phục vụ phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế và đáp ứng mục tiêu hội nhập...
![]() |
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Cẩm Phả hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. |
Để thành công tiếp nối những thành công
Những kết quả trong những năm qua về thực hiện 3 đột phá chiến lược cho thấy Quảng Ninh đã thành công toàn diện trên các mặt công tác. Kết quả đáng phấn khởi năm 2018, 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, nổi bật nhất là GRDP tăng 11,1%; thu ngân sách nhà nước đạt 40.548 tỷ đồng, trong đó: Thu ngân sách nội địa đạt 30.350 tỷ đồng đứng thứ 5 toàn quốc... Trên tinh thần cụ thể hóa phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, trên đà phát triển năm 2018, năm 2019 Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược để tỉnh bứt phá mạnh mẽ, phát triển nhanh, bền vững. Trước mắt, tập trung triển khai các dự án động lực, phấn đấu thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào cuối năm 2020; xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn phát triển đột phá theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2018. Tích cực triển khai các dự án của các nhà đầu tư lớn, như: Vingroup, Sun Group, FLC… tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
![]() |
Khu đô thị Phương Đông, huyện Vân Đồn, đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng. |
Bên cạnh đó, khẩn trương đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là công trình cấp đặc biệt, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, có thiết kế với 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường đô thị TCVN 104-2007, dài 2.740m, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ giảm tải cho cầu Bãi Cháy, tăng cường kết nối giữa 2 khu vực của TP Hạ Long và tạo điểm nhấn cho TP Hạ Long... Đồng thời, sớm triển khai đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; phát triển hệ thống cảng biển, trọng tâm là khu đầm Nhà Mạc tại TX Quảng Yên, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, hạ tầng Khu kinh tế Vân Đồn, hệ thống các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nâng cấp các đô thị theo hướng phát triển hiện đại, bền vững... Tỉnh cũng sẽ dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, nhất là đào tạo cán bộ cấp chiến lược, từng bước gỡ "nút thắt" về nhân lực chất lượng cao thông qua các cơ chế, chính sách đào tạo và thu hút nhân tài. Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư nhà ở xã hội, tạo điều kiện thu hút lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; đổi mới công tác đào tạo nghề đáp ứng tốt tiêu chuẩn quốc tế gắn với nhu cầu sử dụng lao động, định hướng phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”.
Năm 2019, TKV phấn đấu sản xuất 40 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn. |
Tin tưởng rằng với đà phát triển, năm 2019 Quảng Ninh tiếp tục có những bứt phá mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là tăng trưởng GRDP trên 11,6%; thu ngân sách trên 41.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 33.500 tỷ đồng với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” quyết tâm chính trị cao nhất và sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, Quảng Ninh sẽ tiếp tục vững bước và sớm gặt hái những thành công mới.
Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến ()