Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:55 (GMT +7)
Tiếp tục chủ động biện pháp phòng, chống rét hại trên địa bàn tỉnh
Thứ 7, 09/01/2021 | 15:09:00 [GMT +7] A A
Ngày 8/1, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động biện pháp phòng, chống rét hại trên địa bàn tỉnh.
Người nuôi tôm phường Hà An, TX Quảng Yên, dùng máy sục liên tục trong những ngày rét, đảm bảo nguồn cung cấp khí oxi cho tôm nuôi. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Theo đó, trong các ngày 8-9/1/2021, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tăng cường, nhiệt độ các nơi trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 8-10°C. Tại các vùng núi cao (đỉnh Chùa Đồng – Yên Tử) đã xuất hiện băng tuyết.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, do không khí lạnh mạnh tăng cường, đợt rét hại này tiếp tục kéo dài đến ngày 13/1/2020. Để chủ động ứng phó với đợt thiên tai này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 27/UBND-NLN3 ngày 6/1/2021 về việc tiếp tục triển khai chống rét trên cây trồng và triển khai sản xuất vụ Xuân năm 2021.
Cùng với đó, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống rét (đặc biệt chú ý người già, trẻ nhỏ, học sinh). Tùy theo tình hình thực tế tại từng địa phương để có biện pháp che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất. Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, nhất là tại các trường nội trú như: Hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, đốt lửa sưởi ấm trong rừng; khuyến cáo và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, ngắm băng tuyết tại các vùng núi cao.
Đồng thời, thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi, thủy sản hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bố trí ngân sách, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để triển khai phòng, chống rét hại. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, vật tư, phương tiện, phương án để xử lý tình huống kịp thời, hiệu quả. Thực hiện hỗ trợ theo quy định của Nhà nước về cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do rét hại gây ra để sớm ổn định sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, biết diễn biến của gió mạnh trên biển để phòng tránh, di chuyển vào bờ hoặc tránh trú tại các khu vực an toàn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình rét đậm, rét hại, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khẩn trương thực hiện.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()