Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:20 (GMT +7)
Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo
Thứ 4, 09/10/2024 | 08:20:54 [GMT +7] A A
Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo bước chuyển trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai những chính sách riêng nhằm bảo đảm an sinh xã hội như chăm sóc, trợ giúp người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, người nghèo; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ bảo hiểm y tế…
Tính trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng chi an sinh xã hội của tỉnh ước đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 38,4% cùng kỳ (cùng kỳ 1.037 tỷ đồng). Tỉnh đã chủ động ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở; bảo trợ xã hội... Cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064%; 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Ước 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh giảm 226/246 hộ nghèo, bằng 91,86% kế hoạch năm 2024; giảm 1.591 hộ cận nghèo, bằng 132,58% kế hoạch năm 2024.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 297.488 người tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 46,85% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 17.383 người so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 6,88% so với bình quân chung cả nước. Đồng thời, có 253.642 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 39,94% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 10.072 người so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 86,82% (KH năm 2024 là 87%; tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 50,8% (KH năm 2024 là 51%; tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023). Các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tăng thêm ước đạt 23,5 nghìn lượt lao động; tuyển sinh đào tạo nghề mới cho 20.846 người, đạt 52% kế hoạch năm
Cùng với đó, chất lượng giáo dục được duy trì, giữ vững và phát triển, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 90,2% lên 90,8%, dự kiến sẽ đạt và vượt chỉ tiêu năm 2024 đạt từ 91% trở lên; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tăng từ 85% lên 94,58%, dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu hết năm 2025 đạt 100%. Đặc biệt, điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT có sự tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 25/63 tỉnh thành, tăng 11 bậc so với năm trước, tăng 25 bậc so với năm 2020.
Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm; tổng số người tham gia BHYT đến hết tháng 8/2024 là 1.290.631 người, tăng 8.968 người (0,7%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95,8% dân số. Ngành y tế đã thành lập “Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh” và phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” vì mục đích cứu chữa người người bệnh và phục vụ nền y học trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo xây dựng Đề án ghép thận tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chuẩn bị các phương án bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai; trợ giúp khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại do bão số 3. Đồng thời, tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, quan tâm chăm lo, trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()