Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:08 (GMT +7)
"Thể thao đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh"
Chủ nhật, 27/03/2022 | 07:35:48 [GMT +7] A A
Phát huy truyền thống, tận dụng thế mạnh, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của tỉnh... là cách mà thể thao Quảng Ninh đã xây dựng, phát triển và khẳng định thương hiệu của mình thời gian qua, hòa nhập với khu vực và quốc tế để phát triển, biến những cơ hội thành thành quả... Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3 (1946-2022), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao, về phát huy thế mạnh, cơ hội phát triển cho thể thao Quảng Ninh. |
Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Được coi là “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh là tỉnh có địa hình đa dạng với đồi núi, đồng bằng, lại có biên giới, hải đảo, đồng thời là ngôi nhà chung của hàng chục dân tộc anh em. Từ xa xưa, người dân vùng Đông Bắc vốn phóng khoáng, có tinh thần cách mạng, tinh thần thượng võ… được truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế, trên mảnh đất này xưa nay có nhiều lò võ, sới vật… được duy trì nhằm rèn luyện, nâng cao sức khỏe, tự vệ, nâng cao trí lực để lao động, sản xuất, phòng chống thiên tai, đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước.
Với truyền thống đó, phong trào TDTT đã xuất hiện trên đất Quảng Ninh rất sớm. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới nay, thực hiện lời kêu gọi của Bác, nhân dân, đặc biệt là tầng lớp công nhân vẫn duy trì tốt phong trào TDTT để vừa rèn luyện sức khỏe, sản xuất tốt, kháng chiến tốt. Ngay cả trong giai đoạn khói lửa, khó khăn của chiến tranh, TDTT vẫn phát triển rộng khắp, không ngừng lớn mạnh.
- Trên nền tảng truyền thống đáng tự hào đó, vậy điều gì là nhân tố thúc đẩy, "chắp cánh" giúp thể thao Quảng Ninh vươn xa, khẳng định thế mạnh riêng?
+ Quả thật, ngoài truyền thống đáng tự hào, sự đóng góp tâm huyết của bao thế hệ lãnh đạo và HLV, VĐV, không thể không kể tới yếu tố mang tính động lực, "bệ phóng" là sự quan tâm đầu tư của tỉnh nhà cho TDTT về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... Từ những môn thế mạnh như võ, cờ, bóng chuyền, đua thuyền… và trước đó là bóng đá, rồi về sau là các môn thể thao Olympic đều có chiến lược đầu tư bài bản.
Lãnh đạo tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực kinh phí và quỹ đất xây dựng khu tập luyện, nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, tiêu biểu như Khu liên hợp thể thao tỉnh, SVĐ Cẩm Phả… Đồng thời, các thiết chế TDTT cơ sở được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, người đam mê thể thao, điển hình như: Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long), Khu vui chơi giải trí Hà Lan, Trung tâm VH-TT TX Đông Triều…
Cùng với đó, VH-TT được tỉnh nhà xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh, gắn với việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân. Đây cũng là yếu tố quan trọng để TDTT được quan tâm hơn, thực sự đóng góp nâng cao đời sống người dân, đồng hành vào sự phát triển KT-XH, tạo diện mạo mới cho tỉnh nhà.
- Với truyền thống, sự tự hào và cả kỳ vọng, vậy thể thao Quảng Ninh làm gì để phát huy, sử dụng hết nguồn lực cũng như hoạch định cho sự phát triển trong tương lai?
+ Chúng tôi xác định việc định hướng, quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển, tầm nhìn đóng vai trò quan trọng trong phát triển tổng thể thể thao tỉnh nhà. Theo đó, thời gian qua, Sở VH-TT đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo VĐV, HLV chất lượng cao và Đề án gìn giữ, phát huy thể thao dân tộc. Đây là “xương sống”, "kim chỉ nam" định hướng cho hoạt động của thể thao Quảng Ninh đến năm 2030. Qua đó, một mặt gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, thể thao của cộng đồng dân tộc thiểu số, mặt khác hướng đến thể thao thành tích cao, trong đó, thể thao Quảng Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm đứng trong top 10 các tỉnh, thành trong toàn quốc và cung cấp VĐV, HLV cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tham gia giải đấu khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, chúng tôi - những người công tác trong ngành xác định rằng: Thể thao phải song hành với phát triển KT-XH, phát huy hết công năng cơ sở vật chất được đầu tư, như: Nhà thi đấu 5.000 chỗ, Khu liên hợp thể thao dưới nước, trường bắn súng và nhiều công trình, hạng mục hiện đại khác. Vì thế, trong tương lai, ngành phải xây dựng kế hoạch, phương án tự chủ kinh phí một phần cho các cơ sở thể thao bằng việc cho thuê hạ tầng, tổ chức những giải thể thao và các sự kiện…
Trên thực tế, không ít hoạt động thể thao mang tính trải nghiệm, đã đưa lại hiệu quả lớn như: Giải bóng chuyền bãi biển, thi đấu 3 môn phối hợp tại Tuần Châu; Giải Marathone, đua xe đạp ở cung đường bao biển Hạ Long - Bái Tử Long; thể thao gắn với quảng bá du lịch ở Cô Tô, Bình Liêu… Điều này cho thấy tiềm năng, khả năng và sự tiếp cận độc đáo tới du lịch, các lĩnh vực KT-XH khác từ thể thao. Vì thế, một phần việc quan trọng chính là tham mưu cho tỉnh quy hoạch tổng thể ngành gắn với các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng sản phẩm du lịch golf và phối hợp tổ chức những giải đấu lớn gắn với việc quảng bá du lịch, điểm đến nổi bật trên địa bàn tỉnh.
- Đó hẳn là những việc không hề đơn giản. Để cụ thể, hiện thực hóa những định hướng đó, ngành thể thao đã và sẽ có những hành động, lộ trình cụ thể nào?
+ Thời gian qua, chúng tôi đã đề xuất với tỉnh tăng cường số lượng đào tạo VĐV chuyên nghiệp; xin cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoại tỉnh; tổ chức tốt các giải quy mô cấp Quốc gia. Trong năm 2021, dù dịch bệnh phức tạp vẫn tổ chức thành công 5 giải thi đấu cấp Quốc gia và tổ chức thành công 11 môn thi trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX. Từ đầu năm 2022 đến nay (23/3/2022) đã có 3 HLV và 35 VĐV được triệu tập vào các ĐTQG và Đội tuyển trẻ quốc gia, cao nhất từ trước đến nay, một số VĐV Vùng mỏ nằm trong danh sách chính thức dự SEA Games 31.
Năm 2022, tập trung nguồn lực đăng cai 7 môn SEA Games, tạo tiền đề cho thể thao Quảng Ninh lan tỏa. Cuối 2022, Quảng Ninh tiếp tục đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc. Đây cũng chính là bước ngoặt để thể thao Quảng Ninh bứt phá.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ làm việc với các Liên đoàn và Tổng cục TDTT đăng cai các giải đấu Quốc gia, Quốc tế mở rộng, có sức thu hút tốt như: Giải Cầu lông, dự kiến hơn 1.000 VĐV về tham dự ở nhóm tuổi 18-61 tuổi; tiếp tục tổ chức tốt giải có tiếng vang như: Giải Marathone quốc tế di sản Vịnh Hạ Long, VnExpress; Giải đua thuyền buồm Clipper Race mà Vịnh Hạ Long sẽ là một điểm đến trong hành trình vòng quanh thế giới…
Sở VH-TT đang xây dựng Đề án phát triển thể thao mang tính hiệu quả, gắn với cộng đồng doanh nghiệp, người hâm mộ, như: Phấn đấu để bóng đá than Quảng Ninh tái xuất, quay lại V-Leauge…; phát huy hiệu quả thiết chế thể thao sau đầu tư bằng việc đăng cai tổ chức giải đấu Quốc tế qua phối hợp với các tổ chức, Liên đoàn, cộng đồng doanh nghiệp gắn với việc hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
- Kết quả rõ ràng nhất có lẽ là việc Quảng Ninh đăng cai tổ chức 7 môn SEA Games và một số sự kiện lớn 2022. Theo ông, Quảng Ninh sẽ thu hái được gì qua đăng cai sự kiện này?
+ Như tôi đã chia sẻ ở trên, được đăng cai 7 môn thi đấu tại SEA Games 31 là cơ hội để thể thao Quảng Ninh được lan tỏa. Đây có thể coi là bước ngoặt chiến lược để thể thao tỉnh nhà có tên trong bản đồ những điểm đến hấp dẫn, chất lượng của thể thao quốc tế.
Thứ nhất, chúng ta có thể quảng bá đến bạn bè thế giới về cảnh quan, vùng đất con người nơi đây, cùng với đó giới thiệu cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, những thiết chế văn hóa - thể thao có thể đáp ứng được những giải đấu tầm quốc gia và quốc tế. Thứ hai, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với Quảng Ninh, và các du khách quốc tế đến tham quan trải nghiệm các sản phẩm du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển KT-XH. Thứ ba, đây là tạo cơ hội tốt để cho những nhà chuyên môn như chúng tôi có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức những giải đấu quy mô lớn trong tương lai. Những HLV, VĐV chuyên nghiệp của tỉnh có thêm cơ hội cọ xát, thi đấu ở tầm cao. Trọng điểm là để bạn bè Đông Nam Á, châu Á biết đến Quảng Ninh có đầy đủ thiết chế văn hóa - thể thao mang đẳng cấp châu lục, sẵn sàng đăng cai tổ chức sự kiện thể thao đẳng cấp quốc tế.
- Nhiều nhà chuyên môn đánh giá rằng, việc quảng bá, tiếp cận các lĩnh vực KT-XH khác từ thể thao có hiệu quả và sức hút bất ngờ. Như vậy, sự kiện này sẽ giúp một số ngành hưởng lợi?
+ Theo cá nhân tôi nghĩ, đó là thành quả từ sự đầu tư bài bản, hợp lý. Việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế thể thao tiêu chuẩn quốc tế đem lại lợi ích trong việc quảng bá hình ảnh và tạo ra doanh thu cho các dịch vụ khác.
Khi đăng cai tổ chức 7 môn thi đấu tại SEA Games 31, chỉ tính riêng VĐV, HLV, Ban tổ chức... về với Quảng Ninh lên đến 2.000 người, góp phần tạo nên dòng khách du lịch kéo dài gần hết tháng 5. Đây là thời cơ để quảng bá, giới thiệu về mảnh đất và con người Quảng Ninh đến bạn bè quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Tạ Quân (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()