Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:29 (GMT +7)
Xây dựng Quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh
Thứ 5, 30/03/2023 | 07:55:00 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho người dân. Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV tới đây, nội dung quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 sẽ được xem xét. Đây là nội dung được nhiều cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, tiếp tục mở hướng thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 4,56%, tương đương 15.340 hộ; đến cuối năm 2020 giảm còn 0,23%, tương đương 833 hộ. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm 14.507 hộ nghèo; tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 0,87%/năm, tương đương giảm 2.805 hộ/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,17%/năm. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, áp dụng theo chuẩn nghèo tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh có 1.526 hộ nghèo, chiếm 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm 1,48% tổng số hộ dân.
Để giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp: Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; huy động, tạo điều kiện tối đa các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế; quan tâm công tác giáo dục, đào tạo nghề; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về tinh thần phát huy nội lực, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững… Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,067%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỉnh không có huyện nghèo, xã nghèo; riêng TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Tỉnh đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đối với 156 hộ nghèo không có khả năng lao động theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của trung ương, nhưng chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy, việc xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh Quảng Ninh áp dụng cho giai đoạn 2023-2025 theo hướng mức thu nhập cao hơn mức thu nhập quy định tại chuẩn nghèo của Chính phủ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh thời gian qua.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã lập tờ trình, trình HĐND tỉnh xem xét để ban hành Nghị quyết “Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025” tại kỳ họp thứ 13 này. Tờ trình đã đưa ra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh về tiêu chí thu nhập sẽ cao hơn mức chuẩn nghèo của trung ương khoảng 1,4 lần. Trong đó, chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên; chuẩn hộ cận nghèo khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ và của tỉnh.
Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, nếu chuẩn nghèo của tỉnh được phê duyệt, dự kiến tỉnh có 1.400 hộ nghèo, 5.200 hộ cận nghèo. Việc xây dựng Nghị quyết nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của tỉnh là rất cần thiết để xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về trợ giúp xã hội, nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng thụ hưởng, từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương đồng với các chính sách xã hội khác, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()