Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:30 (GMT +7)
Tiếng nói từ cơ sở: Những sáng kiến hữu hiệu của công nhân
Thứ 7, 15/05/2021 | 15:06:02 [GMT +7] A A
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa ổn định hoạt động sản xuất đảm bảo thu nhập cho người lao động. Điều đó được thể hiện qua phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đội ngũ CNLĐ đã góp phần tiết giảm chi phí nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
“Người thợ có bàn tay vàng”
Là công nhân trực tiếp vận hành máy in offset anh Trịnh Quốc Tuấn, 40 tuổi có 16 năm công tác tại Phân xưởng Máy in, Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh (TP Hạ Long). Anh Tuấn đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ, mạnh dạn áp dụng sáng kiến vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty.
Anh Trịnh Quốc Tuấn, công nhân Phân xưởng máy in, Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh lắp bản kẽm vào cụm máy để tiến hành in trên máy in offset 2 màu 16 trang - Heidelberg. |
Anh Trịnh Quốc Tuấn cho biết: Trước đây việc vận hành máy in offset 2 màu, 16 trang - Heidelberg luôn gặp vấn đề trên các sản phẩm. Khi in trên giấy có định lượng dầy luôn xảy ra hiện tượng mực bị loang, không dàn đều, sản phẩm bị nhăn, cứ in được khoảng 500 tờ sản phẩm lại phải dừng máy để lau cao su và bản kẽm; điều này gây mất thời gian, làm bản kẽm bị mài mòn, dễ hỏng dẫn đến sản phẩm có chất lượng thấp. Nguyên nhân của hiện tượng trên do thời tiết khô, ẩm thất thường nên giấy có sự co giãn không đều, khi chịu áp lực in sẽ dẫn đến lỗi trên sản phẩm.
Qua kinh nghiệm trong quá trình công tác cũng như nghiên cứu, tìm hiểu, anh Tuấn đề xuất với ban lãnh đạo Công ty áp dụng sáng kiến “Thực hiện việc ép in không một cụm" để cho giấy đảm bảo hết độ giãn, sau đó cho chạy qua cụm ép in có mực, có nước và đã khắc phục được hiện tượng mực loang không đều khi in nền đậm ở các sản phẩm dùng giấy dầy.
Theo anh Tuấn, sau khi đưa giấy chạy máy qua 1 lần không thực hiện ép in trên 1 cụm máy; sau đó tiếp tục đưa giấy chạy thêm 1 lần nữa và thực hiện ép in không mực, làm cho giấy giảm bụi, có độ giãn đồng đều, nhất là giấy Couche (cút-sê). Như vậy, khi tiến hành in ra sản phẩm đã không còn hiện tượng mực bị loang, bị nhăn, chất lượng sản phẩm đồng đều có tính thẩm mỹ cao; kéo dài thời gian chạy máy từ 500 tờ lên 5.000 tờ sản phẩm mới phải lau cao su và bản kẽm 1 lần; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Sáng kiến của anh Tuấn đem lại lợi nhuận rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian, khắc phục lỗi trên sản phẩm, đáp ứng công nghệ in hiện đại.
Anh Trịnh Quốc Tuấn vận hành hệ thống điều khiển máy in offset 2 màu 16 trang của máy Heidelberg. |
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh đánh giá: Sáng kiến của anh Trịnh Quốc Tuấn được áp dụng vào sản xuất không chỉ mang lại chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí mà còn đóng góp hiệu quả phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CNLĐ trong công ty. Từ thành tích của mình, anh Trịnh Quốc Tuấn vinh dự nằm trong 135 công nhân tiên tiến, tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen dịp Tháng Công nhân năm 2021.
“Trạm trưởng gương mẫu, đam mê sáng kiến”
Với nhiệm vụ quản lý, vận hành trạm xử lý nước thải mỏ, anh Nguyễn Mạnh Túc, 41 tuổi, Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải khu vực Nam Mẫu (TP Uông Bí), Công ty Môi trường - TKV luôn gương mẫu, đam mê sáng kiến, sáng tạo, tiết kiệm chi phí cho công ty hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Mạnh Túc |
Với 10 năm kinh nghiệm, trực tiếp vận hành trạm xử lý nước thải của các mỏ hầm lò trên địa bàn, anh Nguyễn Mạnh Túc nhận thấy việc bơm bùn tại bể chứa nước thải không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong quá trình vận hành xử lý. Anh Túc cho biết: Nước thải mỏ được thu gom vào bể điều hòa, đưa lên bể phản ứng để nâng độ PH, rồi đưa sang bể khuấy keo tụ; sau đó được chuyển sang bể lắng 1.200m3 và cuối cùng bể cát lọc mangan, nước xử lý đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường.
Tuy nhiên, tại bể lắng 1.200m3 việc đáy bể bằng, thiết kế ống hút hình bát sen chạy quanh bể để hút không phù hợp. Vì vậy trong quá trình vận hành việc hút bùn đạt thấp gây ra lắng đọng, kết tủa dẫn đến nguồn nước bùn tràn sang bể cát lọc mangan gây ra tắc nghẽn, xử lý nước thải đạt hiệu quả thấp; kéo dài thời gian việc vận hành xử lý.
Sau nhiều lần nghiên cứu tìm tòi, anh Túc đã cùng với đồng nghiệp mạnh dạn đề xuất xí nghiệp và công ty thực hiện giải pháp thiết kế đáy bể chứa vát theo hình phễu; thiết kế lại công nghệ ống hút tại giữa đáy của hình phễu; tăng công suất của bơm hút từ 7,5KW lên 15KW để tăng tốc độ hiệu quả hút triệt để lượng bùn tại bể chứa. Từ giải pháp sáng kiến này đã tiết kiệm 40% chi phí và rút ngắn thời gian vận hành của người lao động, tăng hiệu quả xử lý thải ra môi trường đạt 1,6 triệu m3 nước năm 2020. Giải pháp sáng kiến trên của anh Túc đem lại giá trị lợi nhuận cho công ty 1,5 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Mạnh Túc vận hành tủ điều khiển thiết bị bơm lọc tại Trạm xử lý nước thải Nam Mẫu (TP Uông Bí). |
Không chỉ đưa ra nhiều giải pháp sáng kiến, anh Nguyễn Mạnh Túc luôn giúp đỡ, kèm cặp đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, gương mẫu vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện nghiêm túc các quy trình an toàn vệ sinh lao động trong quá trình vận hành, tích cực tham gia đầy đủ phong trào thi đua lao động sản xuất, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do phân xưởng và Công đoàn Công ty tổ chức.
Với thành tích của mình, nhiều năm qua anh Nguyễn Mạnh Túc luôn là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đặc biệt Tháng Công nhân năm 2021, anh là công nhân tiên tiến, tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()