Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:24 (GMT +7)
Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt -Trung: Bắc nhịp cầu văn hoá Quảng Ninh - Quảng Tây
Thứ 4, 02/11/2022 | 15:21:22 [GMT +7] A A
Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung do Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức những năm qua đã để lại cho khán giả hai nước những dư âm đẹp. Không chỉ là một cuộc thi ca nhạc, đây còn là cây cầu văn hóa, cây cầu hữu nghị thắt chặt tình đoàn kết giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nói riêng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung.
Trước đây, cuộc thi được Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai, Đài Phát thanh Nhân dân Quảng Tây và Đài Truyền hình Quảng Tây, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc tổ chức thường niên từ năm 2010, với cách thức là thi trình diễn một bài hát Việt Nam và một bài hát Trung Quốc. Cuộc thi đã trở thành nhịp cầu âm nhạc gắn kết tình hữu nghị, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, cùng nhau phát triển. Cuộc thi đã cho thấy tính hiệu quả trong việc giao lưu văn hoá, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, thúc đẩy du lịch phát triển.
Đối tượng tham gia cuộc thi là cá nhân hay nhóm thí sinh, là công dân Việt Nam hay Trung Quốc có độ tuổi từ 16 – 60, đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Quảng Đông (Trung Quốc).
Thí sinh tham gia mỗi vòng thi sẽ hát một bài hát Việt Nam và một bài hát Trung Quốc phù hợp với quy định của hai nước, có nội dung ca ngợi quê hương đất nước và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Cuộc thi bao gồm vòng loại, vòng bán kết, vòng chung kết Việt Nam và vòng chung kết quốc tế. Những thí sinh (hoặc nhóm thí sinh) đạt giải trở thành ca sĩ thoả thuận của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc); được tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá đối ngoại liên quan do Ban Tổ chức cuộc thi tổ chức.
Qua nhiều năm tổ chức, Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung ngày càng được mở rộng và nâng tầm chất lượng, trở thành một cuộc thi thường niên có sức hút và sự lan tỏa lớn; đồng thời là một hoạt động văn hoá đối ngoại, góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Chương trình thực sự trở thành nhịp cầu âm nhạc hấp dẫn, nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực của nhân dân hai nước Việt – Trung.
Ca sĩ Lý Vân Phong đến từ tỉnh An Huy (Trung Quốc) là kỹ sư của Tập đoàn Năng lượng An Huy. Từ năm 2012, Lý Vân Phong được cử sang công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Hà Khánh (TP Hạ Long). Tuy chỉ là một ca sĩ nghiệp dư, nhưng Lý Vân Phong đã mang đến cho khán giả những giây phút thăng hoa trong âm nhạc, những ấn tượng tốt đẹp tại Vòng Chung kết Tiếng hát hữu nghị Việt – Trung năm 2013.
Lý Vân Phong từng chia sẻ rằng, việc tham gia cuộc thi tại Việt Nam là một điều rất hạnh phúc đối với anh. Đó là một điều lạ lẫm, thích thú, bởi vì thông thường, vòng chung kết tại Việt Nam chỉ có người Việt tham gia. Ngược lại ở nước anh, vòng thi này chỉ có người Trung Quốc. Anh cũng vui hơn vì tại vòng thi này đã được gặp rất nhiều bạn bè Việt Nam.
Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhiều giọng ca triển vọng, đóng góp cho nền âm nhạc hai nước. Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người nhiều lần làm giám khảo cuộc thi cho biết, ông rất ấn tượng trước chất lượng của các thí sinh dự thi bởi chất giọng, kỹ thuật không thua kém những ca sĩ chuyên nghiệp. Thậm chí, theo nhạc sĩ, có những thí sinh đủ khả năng bước chân ngay vào làng giải trí Việt Nam và giành được thành công.
Ca sĩ Nguyễn Ngọc Dung công tác tại Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng từng đoạt giải quán quân liên tiếp trong 2 vòng thi chung kết toàn quốc và chung kết quốc tế Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt –Trung năm 2013. Tuy nhiên, đối với Ngọc Dung cái được lớn nhất cho chị không chỉ là giải thưởng.
Ngọc Dung chia sẻ: Giải thưởng đúng là rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ, ngoài giải thưởng ra, tôi còn có nhiều cái được sau cuộc thi này. Đó là chuyện tôi có cơ hội làm quen với nhiều bạn bè mới trong cả nước cũng như các ca sĩ người Trung Quốc. Và thêm nữa, là một chiến sĩ biên phòng, tôi có dịp được hiểu thêm về tình hữu nghị Việt - Trung, hiểu thêm con người và văn hóa Trung Quốc, phục vụ cho công tác của tôi và đồng đội tôi ở biên giới.
Đối với Quảng Ninh, nhiều ca sĩ trưởng thành từ Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung cũng đã ghi được nhiều dấu ấn đối với khán giả như: Ca sĩ Đức Lương, ca sĩ Lương Ngọc Diệp... Vốn đam mê ngoại ngữ, năm 2012, Ngọc Diệp thi đậu khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Trong Cuộc thi tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung năm 2010, Lương Ngọc Diệp giành giải nhất của tỉnh và khu vực Miền núi - Duyên hải phía Bắc, giải nhì toàn quốc và giải ba quốc tế tại Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó, Lương Ngọc Diệp đã quyết định tiếp tục du học cao học thanh nhạc biểu diễn tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây - một trong bốn học viện lớn nhất Trung Quốc. Dưới sự dìu dắt của giáo sư Cung Tiểu Bình, Lương Ngọc Diệp là một trong ba lưu học sinh tốt nghiệp xuất sắc của Học viện.
Lần tổ chức gần đây nhất là Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2021 được tổ chức theo hình thức mới, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Chương trình Chung kết quốc tế Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2021 được kết nối trực tuyến giữa Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh (Việt Nam) và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc).
Vòng Chung kết quốc tế cuộc thi có sự tham gia của 5 thí sinh Việt Nam và 5 thí sinh Trung Quốc, là những đại diện xuất sắc nhất được lựa chọn từ những vòng thi trước đó ở 2 quốc gia, đem đến cho vòng chung kết quốc tế những màu sắc văn hóa sinh động, qua những giai điệu và ca từ đẹp của âm nhạc hai quốc gia. Trong đó, vòng Chung kết quốc tế được chấm điểm bởi ban giám khảo của hai nước tại hai địa điểm cách xa nhau gần 1.000 km bằng hình thức kết nối trực tuyến. Điểm chấm của thí sinh là điểm trung bình của giám khảo 2 nước cho hai phần dự thi.
Trong đêm Chung kết Việt Nam, các thí sinh đã mang tới những giai điệu âm nhạc đẹp, qua đó, giới thiệu và tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền, các dân tộc của hai quốc gia.
Thí sinh Trịnh Kim Oanh, giảng viên Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Tôi mong muốn truyền tải được những tình cảm của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tôi tham gia cuộc thi cũng vì mục tiêu học hỏi, giao lưu văn hóa với các thí sinh hai nước.
Nhạc sĩ Đức Trịnh chia sẻ: Tôi đánh giá cao cuộc thi. Đây là dịp giúp cho các nghệ sĩ của hai nước được giao lưu học hỏi văn hóa lẫn nhau, góp phần thắt chặt tình cảm hữu nghị chung.
Sự thăng hoa trong cảm xúc âm nhạc cùng những giai điệu ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người của hai quốc gia đã góp phần tô thắm tình hữu nghị gắn bó lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung đã trở thành nhịp cầu âm nhạc gắn kết tình hữu nghị hai nước Việt Nam, Trung Quốc, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, cùng nhau phát triển.
Phạm Học
- Lễ hội du lịch thúc đẩy giao lưu văn hoá Việt Nam-Hàn Quốc
- Giao lưu văn hóa Việt - Úc tại TP Móng Cái
- Tăng cường hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa Việt Nam-Romania
- 5 thí sinh sẽ đại diện cho Việt Nam dự chung kết quốc tế Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2021
- 40 MV dự thi vòng bán kết Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2021
- Lộ diện các thí sinh vào vòng bán kết Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt – Trung năm 2021
- Khởi động cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt – Trung
Liên kết website
Ý kiến ()