Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:11 (GMT +7)
Tiên Yên: Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch
Chủ nhật, 11/12/2022 | 07:33:43 [GMT +7] A A
Phố đi bộ Tiên Yên, cảnh đẹp mũi Lòng Vàng cùng nhiều lễ hội gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc... là những sản phẩm mang đặc trưng vùng đất ngã ba sông được du khách yêu thích khi tới Tiên Yên. Đó là kết quả của việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách về phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh và huyện.
Quan tâm đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch
Theo nhận định của các chuyên gia, sản phẩm du lịch là sự hiện thực hóa các tiềm năng, thể hiện thế mạnh, sức hút của một miền đất. Để phát triển sản phẩm du lịch, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND ngày 4/7/2014 phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Chia sẻ về thúc đẩy sự phát triển sản phẩm du lịch của địa phương, ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Huyện xác định rõ chủ trương xây dựng Tiên Yên thành trung tâm văn hóa, là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc, lấy thương mại, dịch vụ, du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Trong những năm qua, huyện Tiên Yên đã quan tâm, phát triển sản phẩm du lịch, hiện thực hóa chủ trương chính sách của Nhà nước.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương trên, trước tiên huyện Tiên Yên đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, các nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện đã hoàn thành đề án phát triển du lịch huyện Tiên Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; cụ thể hóa các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng cùng với bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc gắn với du lịch; xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán tại thôn Pạc Sủi (xã Yên Than); gắn kế hoạch phát triển du lịch huyện Tiên Yên hàng năm với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Huyện cũng xây dựng Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể hóa bằng việc phê duyệt 3 đề án liên quan tới bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu, Tày và phiên chợ Hà Lâu; hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 1 tuyến 4 điểm du lịch trên địa bàn.
Xác định hạ tầng du lịch đóng vai trò quan trọng, huyện quan tâm đầu tư cụ thể cho du lịch bằng nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, các nguồn hợp pháp khác phát triển hạ tầng du lịch. Trong mấy năm qua, huyện đã linh hoạt các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kết nối di tích, danh thắng, góp phần phát triển du lịch. Tiêu biểu là hoàn thành tuyến đường, các điểm nhấn cảnh quan dẫn vào thác Pạc Sủi năm 2019; mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui, khánh thành đưa vào sử dụng Nhà văn hóa dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ...
Gần đây nhất, năm 2022, huyện cũng khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, đường giao thông kết nối xã Đại Dực với xã Đại Thành. Nhiều điểm đến, công trình đã đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng như: Các điểm checkin dành cho du khách tại Đại Dực, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp chỉnh trang Phố đi bộ Tiên Yên phục vụ tổ chức các hoạt động văn hoá vào thứ bảy hàng tuần...
Huyện cũng quan tâm đầu tư khôi phục và nâng cao chất lượng cho các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực), dân tộc Tày (xã Phong Dụ), Lễ hội Đền Đức Ông Hoàng Cần, Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Sán Dìu (xã Hải Lạng), Lễ hội đua thuyền tại xã Đồng Rui...
Đa dạng các sản phẩm, điểm đến
Nhờ những hoạt động tích cực đó, mà thời gian qua huyện Tiên Yên đã triển khai mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm và không gian du lịch. Trong đó, có nhiều sản phẩm du lịch rất hút khách, để lại ấn tượng tốt về vùng đất ngã ba sông này.
Điển hình, gần đây khi nhắc tới Tiên Yên nhiều du khách rất ấn tượng với sản phẩm du lịch trải nghiệm khám phá, sinh thái cộng đồng với khoảng 5-6 điểm đến nổi bật như: Thác Pạc Sủi, chợ Tiên Yên, Trung tâm Văn hoá - Thể thao vùng Đông Bắc, đền Đức ông Hoàng Cần...
Ngoài ra, đến Tiên Yên hiện nay du khách còn có thể tham quan, trải nghiệm các loại hình du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử. Có 3 điểm di tích lịch sử trở thành điểm đến du lịch, gồm: Đền thờ Đức ông Hoàng Cần (xã Hải Lạng), chùa Quán Âm (xã Tiên Lãng), chùa Linh Quang (thị trấn Tiên Yên).
Các lễ hội văn hoá hàng năm đều được gắn bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc với các hoạt động trải nghiệm như Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Sán Chỉ gắn với Mùa vàng miền Soóng cọ, Lễ hội Đồng Đình với các hoạt động trải nghiệm đi mảng trên sông Tiên Yên, thi ẩm thực, thể thao...
Huyện đã xây dựng và tổ chức thành công nhiều hội thi, lễ hội gắn với đặc trưng ẩm thực, văn hóa của địa phương, đó là Hội thi Vua gà, Lễ hội ẩm thực gà... gắn với tôn vinh thương hiệu gà Tiên Yên. Đồng thời trên địa bàn huyện, cũng bắt đầu hình thành một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mới, như: Trang trại Family Ecozone (xã Hải Lạng) với mô hình câu cá, ăn uống, trải nghiệm rừng ngập mặn, làm bánh dân tộc đã bước đầu tạo hiệu ứng tốt cho du khách.
Ngoài ra, Tiên Yên có những sản phẩm, điểm đến du lịch phụ trợ hình thành trong quá trình thúc đẩy, phát triển sản phẩm du lịch, rất thu hút khách. Đáng chú ý nhất là điểm đến Rừng ngập mặn Đồng Rui, các bãi cát giữa biển như: Bãi Cái Mắt, Lòng Vàng cùng các hoạt động trải nghiệm theo mùa như tắm biển, câu mực, khám phá đảo cát nổi, chợ phiên Hà Lâu; du lịch cộng đồng xã Đại Dực, nơi có thể khai thác nhiều loại hình và sản phẩm du lich như thăm thác Nặm Văn, tắm suối nước nóng, hồ Tuyệt tình cốc, đồi Tình...
Có thể thấy, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch, Tiên Yên đã có bước phát triển tích cực, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, xây dựng được nhiều sản phẩm, các điểm đến đa dạng. Đặc biệt các sản phẩm du lịch đặc thù, có bước phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Doanh thu từ các lĩnh vực dịch vụ, du lịch ngày càng tăng, đời sống tinh thần và thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên từ việc tham gia các hoạt động phát triển dịch vụ, du lịch.
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm du lịch hiện còn nhiều hạn chế, còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Sản phẩm du lịch chưa thu hút được đông đảo du khách, việc thu hút đầu tư cũng như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp du lịch chưa rõ nét. Công tác xúc tiến quảng bá để đưa du khách, các hãng lữ hành tới địa phương còn hạn chế... Đây là những tồn tại cần được địa phương khắc phục trong thời gian tới để có thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch của vùng đất và con người Tiên Yên.
Hà Phong
- Tiên Yên khai mạc Hội chợ OCOP kết hợp hội chợ thương mại năm 2022
- Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2022
- Tiên Yên: Phiên chợ trực tuyến mua sắm các sản phẩm OCOP và sản phẩm thương hiệu tỉnh Quảng Ninh năm 2022
- Tiên Yên chú trọng phát triển du lịch thu đông
Liên kết website
Ý kiến ()