Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:32 (GMT +7)
Tiên Yên: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Thứ 5, 24/02/2022 | 09:20:24 [GMT +7] A A
Nhằm phát huy thế mạnh địa phương cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Tiên Yên luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Điểm nhấn dễ nhận thấy ở Tiên Yên, đó là nếu như trước đây sản xuất chỉ dừng lại ở việc độc canh cây lúa, cây ngô phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì nay với tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng giải pháp, định hướng đúng đắn đã vực dậy sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trong đó, huyện đã tập trung phát huy những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để tạo bước đà bền vững trong sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực có tính đặc thù. Đặc biệt, Đề án “2 con, 1 cây” được triển khai đã tạo bước đột phá trong chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Từ chương trình này, nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt ra đời, góp phần giúp bà con đồng bào các dân tộc nơi đây có tư duy mới, cách làm mới, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.
Hiện, huyện Tiên Yên có các mô hình gà Tiên Yên, tôm công nghiệp và mô hình cây dược liệu được coi là 3 sản phẩm chủ lực. Cụ thể, đối với mô hình gà Tiên Yên, hiện toàn huyện có 24 trang trại tổng hợp theo mô hình VietGAP. Năm 2021, số lượng đàn gà Tiên Yên thương phẩm đạt trên 480.000 con (tăng 2,5 lần so với năm 2015). Song song với đó, huyện cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tập trung phát triển cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên với 3 cơ sở sản xuất, quy mô 6.000 con gà sinh sản, khả năng cung cấp 650.000-700.000 con giống/năm.
Anh Lý Đức Bảo, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ chia sẻ: Được xã khuyến khích, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi giống gà Tiên Yên thả đồi với số lượng trên 6.000 con. Những năm qua, thương hiệu gà Tiên Yên được người tiêu dùng ưa chuộng nên gà xuất bán đến đâu tiêu thụ hết đến đấy đã cho gia đình tôi nguồn thu nhập cao và ổn định. Thời gian tới, gia đình tôi cũng có hướng tiếp tục đầu tư thêm các công nghệ về lò ấp trứng, chế biến gà đóng gói hút chân không để có sản phẩm đều và chất lượng hơn cung cấp ra thị trường.
Đối với mô hình nuôi trồng thuỷ sản, để phát huy thế mạnh, huyện đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng có quy hoạch chi tiết; tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong đó tập trung vào con tôm.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 300 hộ nuôi tôm công nghệ, trong đó có 15 hộ đang áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với những vùng nuôi tập trung tại các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Đồng Rui. Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu không ổn định, nhưng hiệu quả nuôi tôm trên địa bàn huyện vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Với khoảng 231 triệu con tôm giống được thả, năm 2021 huyện thu về hơn 4.000 tấn, giá trị đạt trên 293 tỷ đồng. Năm 2022, huyện Tiên Yên tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại Khu quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng, tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường...
Để phát triển cây dược liệu một cách hiệu quả, huyện đã lập quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng cây dược liệu trên 100ha. Huyện đang thành lập các vườn mẫu trồng cây dược liệu, qua đó theo dõi, đánh giá chất lượng, năng suất, nhu cầu tiêu thụ của từng loại cây để đầu tư phát triển sâu hơn, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Những năm qua, trên địa bàn huyện Tiên Yên nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã tích cực tham gia chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh địa phương và cho năng suất, hiệu quả cao.
Đặc biệt, huyện đã tập trung thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua đó đã khuyến khích được người dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả, chú trọng sản xuất - kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, làm chuyển biến đáng kể sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trên địa bàn. Tính riêng năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của huyện Tiên Yên đạt trên 1.060 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2020.
Thời gian tới, huyện Tiên Yên tiếp tục tái cấu trúc ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, tạo bước đột phá phát triển, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Đây là nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()