Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:15 (GMT +7)
Tiền và những chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ở phim Việt
Thứ 2, 20/03/2023 | 11:24:02 [GMT +7] A A
Điện ảnh được xác định là ngành mũi nhọn trong chiến lược công nghiệp hóa văn hóa đến năm 2030. Thế nhưng, tất cả những vấn đề được mang ra bàn bạc, thảo luận tại các tọa đàm đều cũ kỹ, vốn đã tồn đọng cả thập kỷ, không thể giải quyết.
Chiến lược về công nghiệp hóa điện ảnh được bàn thảo giữa bối cảnh Hãng phim truyện Việt Nam kêu cứu vì tê liệt, hoang tàn sau 7 năm tiến hành cổ phần hóa.
Khi điện ảnh Việt kỷ niệm 70 năm điện ảnh Cách mạng, bối cảnh thị trường, công nghệ làm phim trên thế giới đã thay đổi chóng mặt.
Khi điện ảnh đã mang lại doanh thu “khủng” cho kinh tế nhiều quốc gia, gần 40 phim Việt năm 2022 thua lỗ nghiêm trọng.
Nhiều tọa đàm, nhiều hội thảo đã được mở ra để bàn luận về chiến lược công nghiệp hóa điện ảnh Việt, thế nhưng, vẫn quanh đi quẩn lại những câu chuyện cũ đã bàn cả thập kỷ nay chưa thể tháo gỡ.
Trong đó, nút thắt lớn nhất nằm ở chuyện tiền và nguồn lực để thực hiện công nghiệp hóa – vốn đã trở thành đề tài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ở phim Việt.
Nhân lực và nhân tài
Nền công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc đang thâu tóm mọi thị trường phát hành trên khắp các nền tảng. Giờ đây, Hàn Quốc là biểu tượng về thành công khi xây dựng được nền công nghiệp điện ảnh hái ra tiền, khuynh đảo khắp thế giới.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Suk Jin Young – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Hàn Quốc vốn là quốc gia nghèo bậc nhất châu Á, lại khan hiếm tài nguyên, bởi vậy việc xây dựng chiến lược công nghiệp từ các lĩnh vực văn hóa, giải trí là tất yếu và được chính phủ đầu tư, hỗ trợ với rất nhiều chính sách ưu tiên.
Cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã đưa khoảng hơn 300 tài năng (lứa tuổi 18 - 25) sang Mỹ đào tạo bằng ngân sách. Số nhân sự này được Mỹ đào tạo ở nhiều khâu, từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim, đến hóa trang, phục trang. Khi trở về, hơn 300 nhân sự được đào tạo đã thổi luồng gió mới, góp sức tạo nên kỳ tích cho phim Hàn.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Chính sách và Giải pháp phát triển Công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”, ông Đỗ Duy Anh – nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của việc đào tạo nguồn lực cho điện ảnh Việt.
Ông Đỗ Duy Anh nói: “Việc đưa số lượng lớn nhân lực sang nước ngoài học, có lẽ rất khó trong bối cảnh đời sống kinh tế của chúng ta hiện nay, tuy nhiên, sẽ không thể làm được gì nếu như không có nguồn lực. Nhân tài, tài năng chính là những người sẽ gánh vác công việc khi công nghiệp hóa điện ảnh. Muốn có phim hay, phim tốt, phải có lực lượng tài năng”.
Theo ông Đỗ Duy Anh, hiện nay việc đào tạo – giáo dục ở các trường nghệ thuật như Đại học Sân khấu Điện ảnh vẫn còn nhiều bất cập. Gần nhất, vụ việc trường này đề xuất “NSND tương đương Tiến sĩ” đã gây tranh cãi dữ dội.
“Tôi nghĩ, chúng ta cần có những cải tiến trong việc đào tạo ở các trường về điện ảnh như Đại học Sân khấu Điện ảnh. Từ giáo trình đến công tác giảng dạy cần có sự đổi mới, cập nhật hơn với xu hướng làm phim và công nghệ điện ảnh bây giờ” – ông Duy Anh đưa quan điểm.
Năm 2022, khi câu chuyện phim Việt thua lỗ được bàn luận khắp các diễn đàn, nhà báo Lê Hồng Lâm từng nhận định, “sự kiên nhẫn của khán giả dành cho phim Việt có lẽ đã chạm đáy”. Ý muốn nói, nếu phim Việt tiếp tục thảm họa, chất lượng kém, sẽ không còn khán giả nào đủ sức kiên nhẫn để ủng hộ.
Phim rác, phim thảm họa tràn ngập cũng cho thấy hiện trạng điện ảnh Việt thiếu tài năng như thế nào, từ biên kịch đến đạo diễn, diễn viên.
Có thể lấy ví dụ từ cú nhảy vọt của phim truyền hình Việt những năm đầu 2000. Để có được hàng loạt phim gây bão màn ảnh, từ “Tuổi thanh xuân” đến “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh Búp Bê”... Đơn vị sản xuất đã đưa đội ngũ các đạo diễn, quay phim, diễn viên sang Hàn Quốc học tập.
“Tuổi thanh xuân” và nhiều dự án đánh dấu quá trình học hỏi, hợp tác giữa các nhà làm phim truyền hình Việt Nam với Hàn Quốc.
Chính quá trình đưa người sang Hàn Quốc học hỏi đã giúp phim truyền hình Việt Nam có những cú đột phá mang tính lịch sử, từ công nghệ làm phim đến tiếp cận đề tài.
Từ đó để thấy, sẽ rất khó có một ngành công nghiệp điện ảnh, nếu như không có nhân sự và nhân tài.
Nhạc sĩ Quốc Trung khi trao đổi với phóng viên Lao Động về công nghiệp hóa văn hóa cũng khẳng định, nghệ sĩ Việt rất cần đi ra thế giới học hỏi, cọ xát.
“Nghệ sĩ Việt đang không có tham vọng. Đa số chỉ lo chạy sô, chơi gameshow” – nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Tiền
Sẽ không thể có nền công nghiệp điện ảnh nếu nhà nước không chi tiền đầu tư và hỗ trợ. Nhưng đầu tư như thế nào để không sa lầy và sai lầm như bài học ở Hãng phim truyện Việt Nam sẽ là bài toán cần đến cả kế hoạch với chiến lược cụ thể.
Theo ông Jacob Neiiendam – Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch, ở Đan Mạch nhà nước cũng dành nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển công nghiệp điện ảnh. “Ở Đan Mạch, nhiều dự án phim nhận được tiền đầu tư từ chính phủ. Thế nhưng, ngân sách chỉ đóng góp một phần, khoảng 50-60%, còn lại tự các nhà làm phim cũng phải đi kêu gọi, xin cấp vốn từ nhiều nguồn. Khi phim của bạn đủ tốt, đủ hay, việc xin tài trợ là không quá khó”.
Nhà nước không cần đầu tư 100% tiền cho các dự án phim, nhưng cần có những chính sách hoạch định, hỗ trợ để ngành phim phát triển.
Theo các chuyên gia, từ thị trường phát hành phim, số lượng rạp chiếu, mở những cuộc thi tìm kịch bản chất lượng đầu tư... đến việc mang phim ra thế giới tiếp thị, đều cần đến sự hoạch định, lên kế hoạch từ nhà nước.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()