Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, giá trị cao
Thứ 2, 31/05/2021 | 07:05:34 [GMT +7] A A
Dưới sự trợ lực từ những chính sách phát triển nông nghiệp trúng, đúng, hiệu quả của tỉnh; sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động và sáng tạo của lực lượng sản xuất nông nghiệp trực tiếp; sự thuận lợi đặc thù về thị trường tiêu thụ… nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 có bước phát triển được đánh giá mang tính đột phá. Đây chính là cơ sở, điều kiện để ngành nông nghiệp tỉnh nhà bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giá trị cao như mục tiêu đã đề ra.
Nền tảng tốt
Sự chuyển dịch từ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, chính là thành công cốt lõi đầu tiên của nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Điều này thể hiện rõ nét ở sự hiện diện 17 vùng sản xuất tập trung, trong đó 16/17 vùng tăng nhanh về diện tích, 15/17 vùng tăng nhanh cả về diện tích lẫn giá trị. Tiến trình hình thành các vùng sản xuất tập trung của tỉnh phải kể đến sự cộng hưởng của nhiều giải pháp, như tích tụ đất đai, tăng hàm lượng KHCN và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, lấy doanh nghiệp làm một mũi đột phá phát triển.
Sản lượng nông sản được sản xuất từ 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung này của Quảng Ninh mỗi năm là khoảng 42.000 tấn các loại, đây chính là nguồn cung đáp ứng được các tiêu chí cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đưa nông sản thành hàng hóa thương mại. Hiện nay giá trị trên mỗi ha diện tích tại vùng sản xuất tập trung là 125 triệu đồng/năm, con số này theo giới chuyên môn sẽ đạt cao hơn khi nông sản sản xuất ra thực sự có chỗ đứng trong các khu vực thương mại hiện đại, với sức vươn lớn.
Chuyển dịch ngay trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, chuyển dịch trong từng hoạt động sản xuất thành phần của ngành nông nghiệp, chính là điểm nhấn tiếp theo của nông nghiệp Quảng Ninh 2016-2020. Đến thời điểm này, thủy sản đã trở thành lĩnh vực sản xuất mũi nhọn của toàn ngành, thay thế vị trí trồng trọt, chăn nuôi như trước đây; nuôi trồng thủy sản chiếm ưu thế so với khai thác thủy sản, trở thành hướng phát triển dẫn dắt không chỉ trong nội ngành thủy sản mà còn là toàn ngành nông nghiệp. Phân tích ở chỉ số tốc độ phát triển, thủy sản đạt cao nhất trong các hoạt động kinh tế nông nghiệp, cụ thể 5 năm qua luôn ở mức tốc độ phát triển trên 10%, trong đó tốc độ phát triển của nuôi trồng thủy sản năm 2020 đã tiệm cận 20%, cao nhất trong các thời kỳ phát triển của ngành nông nghiệp.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), phân tích: Động lực thành công của thủy sản Quảng Ninh phải là loạt chính sách về thu hút đầu tư vào thủy sản, khai thác xa bờ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, quy hoạch vùng NTTS tập trung, khuyến khích NTTS công nghiệp và nuôi công nghệ cao… Sự tổng lực này đã tạo ra những tác nhân tích cực cho thủy sản. Đó là nguồn lực hàng ngàn tỷ đồng dành cho thủy sản, bao gồm cả ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân; là những doanh nghiệp thủy sản mạnh, tham gia sâu và có vai trò hạt nhân trong chuỗi sản xuất thủy sản, trong đó đáng kể nhất là những doanh nghiệp tháo điểm nghẽn về con giống thủy sản cho tỉnh…
Chuyển động mạnh mẽ của nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 còn là sự hình thành và phát triển bước đầu của các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sự hình thành và phát triển nhanh của các mô hình canh tác chứa đựng hàm lượng khoa học lớn, như nuôi trồng thủy sản theo giai đoạn, trong nhà, bán trong nhà, trái vụ…
Nâng cao giá trị sản phẩm
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, trên nền tảng thành công của giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp Quảng Ninh 2021-2025 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với quan điểm phát triển là hiện đại, thông minh, bền vững và giá trị cao. Nông sản làm ra buộc phải tính đến bài toán hàng hóa thương mại, sản xuất những gì thị trường cần, không sản xuất theo những gì mình có. Trong đó thị trường nội địa Quảng Ninh chính là một trong những thế mạnh tiêu thụ của nông sản Quảng Ninh. Đó là làm sao kích cầu tiêu thụ nội địa, làm chủ trên sân chơi mà mình có ưu thế. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 phải là sản xuất có liên kết, dành sự chú trọng cho khâu chế biến nhiều hơn, thay vì khâu sản xuất như hiện nay...
Có thể thấy qua thực tế phát triển, trong bài toán giá trị hiện nay, sản lượng đã không còn là chỉ số có tính quyết định, mà đó phải là giá trị trên từng sản phẩm. Muốn vậy nông sản phải chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, được chế biến tinh, trở thành món ăn ngay, ăn nhanh, thay vì chỉ làm nguyên liệu… Hiện nay, các chính sách trợ lực của tỉnh dành cho nông nghiệp đã đặt liên kết sản xuất thành điều kiện bắt buộc, bởi liên kết đảm bảo cho một chu trình sản xuất mà ở đó khâu nào cũng phải nỗ lực để đảm bảo duy trì hoặc vượt qua các tiêu chí bắt buộc dành cho mình, kết quả cuối cùng là đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất.
Cũng theo ông Công, trong bối cảnh Quảng Ninh phát triển sôi động, nhiều ngành kinh tế có bước phát triển mang tính đột phá như hiện nay, nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn này chắc chắn nằm trong mối tương tác có cả thuận lợi và những thách thức. Ngành nông nghiệp buộc phải tận dụng, phát huy được những thuận lợi, cũng như ứng phó tốt đối với những thách thức mới có thể phát triển theo đúng mục tiêu đề ra.
"Riêng về thách thức, trước mắt sẽ là tình trạng ngày càng thu hẹp diện tích canh tác của ngành nông nghiệp. Điều này buộc nông nghiệp không có cách nào khác là phải phát triển đi vào chiều sâu, tăng giá trị trên mỗi diện tích canh tác. Đây thực chất cũng là cơ sở để nông nghiệp Quảng Ninh đạt đến trình độ phát triển mới" - Ông Nguyễn Văn Công khẳng định.
Thực tế hiện nay Quảng Ninh đang từng bước chuyển dịch để thích ứng với nguy cơ thu hẹp diện tích canh tác, trong đó đối với thủy sản, hướng phát triển tiến ra biển, nuôi biển sẽ là một hướng mở quan trọng.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()