Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:41 (GMT +7)
Tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân: Vẫn còn nhiều thách thức
Thứ 2, 11/10/2021 | 16:57:29 [GMT +7] A A
Năm 2020, có 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình mới đạt độ bao phủ 76,5% trên tổng số người.
Tiếp tục Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; hai năm (2019-2020) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 (Nghị quyết 68) về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Năm 2020, chênh lệch thu và chi quỹ bảo hiểm y tế là dương 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi bảo hiểm y tế được tăng cường. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 68, có 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần.
Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế đã được hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định.
Năm 2020, có 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình mới đạt độ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, các cấp, các ngành, trong đó trực tiếp là ngành y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Như vậy, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là một mục tiêu khả thi, hoàn toàn có thể đạt được.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hiện mới đạt độ bao phủ là 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến tình trạng chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình...
"Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới có nhiều thách thức hơn, nếu không có những giải pháp căn cơ hoặc thậm chí đột phá hơn thì sẽ có khó khăn hơn," Chủ tịch Quốc hội nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã có báo cáo khá đầy đủ theo quy định, đồng thời các nội dung thẩm tra của Ủy ban Xã hội khá chi tiết, cụ thể, nhiều kiến nghị xác thực cần quan tâm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có sự phối hợp khá hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế năm 2019-2020, nhất là những cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68 cũng như trong quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Nổi bật là chỉ tiêu có số dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 80% vào năm 2020 thì năm 2016 đã hoàn thành. Đến năm 2020, chỉ tiêu này vượt trên 10%, tiến tới việc bảo hiểm y tế toàn dân có khả năng sẽ đạt được.
Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn cho rằng bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục và nỗ lực hơn nữa trong việc thu hút khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương rà soát, tiếp thu những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, các cơ quan chủ trì thẩm tra nêu trong Báo cáo thẩm tra để hoàn thiện hai văn bản, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 để thấy được toàn diện kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 8 năm thực hiện, trong đó quan tâm đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được.
Trên cơ sở bối cảnh mới của đất nước, Chính phủ có kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cho giai đoạn tới một cách khoa học, toàn diện, bền vững, hiệu quả và khả thi; sớm trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, thể chế hóa các nhiệm vụ đặt ra để đạt mục tiêu về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Cùng với đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn chuyên môn về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, đấu thầu, tự chủ bệnh viện và các văn bản liên quan, tạo sự thống nhất, thuận lợi trong quá trình hoạt động; ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán chi phí và điều trị cho người mắc COVID-19, nhất là các ý kiến phát biểu tại phiên họp về việc người bị bệnh nền phải đảm bảo điều trị, thanh toán đúng pháp luật, nhưng nếu còn vướng thì Bộ Y tế báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể bổ sung vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc tham gia bảo hiểm y tế đối với người lao động tại các địa phương trong giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 cần được quan tâm đầu tư hơn nữa và có cơ chế để nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ hơn nữa, có thể kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia của Bộ Công an quản lý.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, có giải pháp đột phá trong tuyên truyền để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời nghiên cứu phương án vừa đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế hướng đến mục tiêu phát triển; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm những hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế và vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban xã hội Quốc hội tiếp tục chủ trì hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()